Kinh tế xã hội
Nhiều tâm tư, nguyện vọng đối với Tổ tư vấn kinh tế - xã hội
(Congannghean.vn)-Mới đây, việc Nghệ An thành lập Tổ tư vấn kinh tế - xã hội cho Chủ tịch UBND tỉnh đã thu hút sự quan tâm của công luận và người dân. Đây là chủ trương khá mới, lại trong bối cảnh Nghệ An đang đứng trước nhiều thuận lợi, khó khăn song hành để vận hành, phát triển. Đi kèm với chủ trương trên là nhiều mong mỏi từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An luôn thể hiện sự cầu thị để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà |
Theo đó, ngày 13/6/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký Quyết định số 2385/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ tư vấn kinh tế - xã hội để tư vấn cho Chủ tịch UBND tỉnh về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Chiều 18/8, UBND tỉnh tổ chức công bố Quyết định thành lập Tổ tư vấn kinh tế - xã hội cho Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo đó, Tổ tư vấn sẽ gồm 6 thành viên: Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An làm Tổ trưởng; PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam làm Tổ phó; ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng và bà Thái Hương, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á.
Tổ tư vấn kinh tế - xã hội có 3 nhiệm vụ, gồm: Tư vấn cho Chủ tịch UBND tỉnh về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Đồng thời, phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó tư vấn cho Chủ tịch UBND tỉnh các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, các thành viên của Tổ cũng tham gia ý kiến các báo cáo, đề án quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND và các nhiệm vụ cụ thể khác theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh.
Việc thành lập Tổ tư vấn kinh tế - xã hội cho Chủ tịch UBND tỉnh đã thu hút sự quan tâm, đồng tình cao của người dân trên địa bàn. Trước hết, xét về các thành viên trong Tổ đều là những người có trí tuệ, kinh nghiệm, từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo ở tỉnh cũng như của Trung ương. Những tri thức đa dạng mà các thành viên có được trong quá trình làm việc, công tác sẽ là kinh nghiệm quý giá để Nghệ An đúc rút và áp dụng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Nghệ An là địa phương có những đặc thù nhất định về phong tục, tập quán, về cách sống, làm việc, sinh hoạt. Do đó, đều là những người xứ Nghệ nên họ hiểu rõ cách áp dụng như thế nào để phù hợp với điều kiện từng địa phương, địa bàn cơ sở sao cho thiết thực, hiệu quả.
“Một trong những điểm nổi bật nhất chính là Tổ tư vấn sẽ hoạch định mục tiêu chiến lược, tầm nhìn dài hạn, hay nói cách khác, là xây dựng trục dọc thống nhất để Nghệ An đi theo, phát triển. Đây là yếu tố mang tính vững bền, nếu có dao động giữa các thế hệ lãnh đạo thì trong 1 phạm vi nhỏ”, ông Trần Anh Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp Nghệ An kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An cho biết.
Sự thống nhất về đường lối phát triển, theo ông Trần Anh Sơn, với cộng đồng doanh nghiệp, chính là hiệu quả công tác cải cách hành chính đi vào thực chất. Trên thực tế, trong nhiều năm qua, cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn tỉnh tiếp tục xây dựng cơ chế thuận lợi, thông thoáng để triển khai hiệu quả các dự án đầu tư vào Nghệ An. Tuy nhiên, ở một số địa phương, cơ sở vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Theo đó, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm xây dựng cơ chế thông thoáng với các nhà đầu tư, trong khi thực chất ở một số nơi, hiệu quả cải cách hành chính vẫn chỉ là hình thức.
Nghệ An là một tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tiềm năng sẵn có ở các huyện miền núi phía Tây vẫn đang chờ để khai phá. Đã có nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu khoa học, mời những chuyên gia đầu ngành để tư vấn, tìm phương hướng phát triển. Tuy nhiên, tất cả mới dừng lại ở hoạt động đứt quãng, chưa có sự xuyên suốt, thống nhất. Mong rằng, việc thành lập Tổ tư vấn kinh tế - xã hội cho Chủ tịch UBND tỉnh không chỉ thể hiện sự cầu thị của lãnh đạo tỉnh mà còn tạo động lực mới, thúc đẩy sự phát triển tương xứng với lợi thế sẵn có mà Nghệ An sau nhiều năm, vẫn chưa thể tạo sức bật mạnh mẽ như mong đợi.
Tuệ Trang