Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201809/phat-trien-du-lich-dua-tren-su-da-dang-hoa-di-san-va-nang-luc-cong-dong-815522/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201809/phat-trien-du-lich-dua-tren-su-da-dang-hoa-di-san-va-nang-luc-cong-dong-815522/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phát triển du lịch dựa trên sự đa dạng hóa di sản và năng lực cộng đồng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 25/09/2018, 08:36 [GMT+7]

Phát triển du lịch dựa trên sự đa dạng hóa di sản và năng lực cộng đồng

(Congannghean.vn)-Phát triển du lịch dựa trên sự đa dạng hóa các di sản và nâng cao năng lực cộng đồng tại nông thôn đang trở thành hướng đi mới và tiềm năng của tỉnh. Minh chứng điển hình cho điều đó là hiệu quả của dự án Đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các làng nông, ngư nghiệp Nghệ An, do cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với tỉnh Nghệ An triển khai.

Phát triển du lịch dựa trên sự đa dạng hóa di sản tại các điểm du lịch cộng đồng là lĩnh vực giàu tiềm năng
Phát triển du lịch dựa trên sự đa dạng hóa di sản tại các điểm du lịch cộng đồng là lĩnh vực giàu tiềm năng

Được thực hiện tại các xã Nam Trung, Khánh Sơn, Kim Liên, huyện Nam Đàn và bản Nưa, huyện Con Cuông, Dự án Đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các làng nông, ngư nghiệp Nghệ An triển khai đồng bộ các hoạt động như cung cấp các hạng mục liên quan xây dựng nhà vệ sinh công cộng cho khách du lịch, công trình vệ sinh khép kín tại homestay (nhà người dân bản địa có phục vụ khách du lịch), xây dựng trung tâm thông tin du lịch, bảng chỉ dẫn cho khách du lịch, hỗ trợ công tác truyền thông quảng bá điểm đến bằng các ấn phẩm…

Tại huyện Nam Đàn, dựa trên đặc trưng về loại hình di sản của địa phương, dự án đã thành lập mô hình Câu lạc bộ (CLB) dân ca ví, giặm Hùng Sơn, xã Vân Diên; tiến hành khảo sát, thăm dò, lựa chọn các hạt nhân có khả năng về dân ca ví, giặm; tổ chức tập huấn, mua sắm trang phục, nhạc cụ, đạo cụ và nhân rộng mô hình hoạt động của CLB. Sau khi hoạt động ổn định, các CLB đã phục vụ tốt nhu cầu của du khách và các đoàn khảo sát du lịch... Ngoài dân ca ví, giặm, trên cơ sở di sản kiến trúc đặc trưng, dự án đã tiến hành điều tra khảo sát các công trình kiến trúc, cấu trúc làng, lối sống cộng đồng tại các xã Nam Trung, Khánh Sơn (huyện Nam Đàn); qua đó, từng bước định hướng việc tôn tạo, bảo tồn các ngôi nhà cổ và mô hình làng cổ trên địa bàn.

Còn tại huyện Con Cuông, dự án đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến người dân tại bản Nưa trong việc tham gia hoạt động du lịch và đã thành lập các tổ (tổ đón tiếp, lưu trú, ẩm thực, văn nghệ, chế biến sản phẩm địa phương) với sự tham gia của hơn 30 người dân địa phương; tổ chức tập huấn kỹ năng đón tiếp phục vụ khách, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị... Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức cho người dân Con Cuông học tập kinh nghiệm phục vụ du lịch cộng đồng trong nước và tổ chức cho đoàn tham gia học tập kinh nghiệm xây dựng và quản lý mô hình du lịch cộng đồng tại Nhật Bản.

Từ những tác động tích cực của dự án, thời gian qua, lượng khách du lịch đến huyện Con Cuông nói chung và bản Nưa nói riêng tăng lên so với các năm trước, đặc biệt là khách lưu trú qua đêm với các hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng và sinh thái. Lượng khách tăng dẫn đến doanh thu tại điểm du lịch cộng đồng bản Nưa ngày càng cao; tạo sinh kế cho người dân với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người.

Song song với khai thác các loại hình di sản đặc trưng để phục vụ du lịch, việc hỗ trợ phát triển những đặc sản của địa phương cũng là một trong những hoạt động chính của dự án. Trong đó có việc phối hợp với các chuyên gia để thiết kế logo, nhãn mác, bao bì, mã vạch, đăng kiểm an toàn vệ sinh thực phẩm cho các sản phẩm... Đơn cử như sản phẩm cam Con Cuông, giỏ đựng cam cho khách du lịch được thiết kế từ việc sử dụng nguyên liệu sẵn có (mây, tre) và dựa trên kỹ thuật đan truyền thống của người dân địa phương. Nhờ những hoạt động hỗ trợ nói trên, sản lượng cam tiêu thụ cũng như tổng doanh thu của các hộ sản xuất cam tại huyện Con Cuông tăng lên rõ rệt.

Còn tại huyện Nam Đàn, dự án cũng hỗ trợ máy móc thiết bị và tập huấn cho người dân kỹ thuật chế biến, sản xuất các sản phẩm bơ lạc, tương Sa Nam, bột sắn dây, dầu lạc, miến; các sản phẩm được đăng ký mã vạch, tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo tiêu chí Vietgap. Một hoạt động khác cũng được dự án đẩy mạnh thực hiện là công tác truyền thông quảng bá, nổi bật như viết bài quảng bá điểm đến du lịch; tiến hành biên tập và in ấn bản đồ du lịch, sách ảnh du lịch bằng 3 ngôn ngữ Việt - Nhật - Anh; thiết kế và lắp đặt các biển chỉ dẫn nhà homestay...

Với việc triển khai đồng bộ các hoạt động nói trên, Dự án đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các làng nông, ngư nghiệp Nghệ An đã và đang góp phần tích cực trong việc nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người dân trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường cũng như các loại hình di sản đặc trưng; qua đó thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững.

.

Thùy Dương

.