Kinh tế xã hội

Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ

08:01, 04/09/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TM-DV) Nghệ An thời gian qua tuy có bước phát triển, song cũng còn nhiều tồn tại, như hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ các hoạt động thương mại còn hạn chế, các hoạt động thương mại truyền thống chưa bắt kịp sự phát triển của thương mại điện tử, thương mại số hóa… Đây là những vấn đề cần sớm tháo gỡ để tỉnh sớm cán đích là trung tâm TM-DV của khu vực Bắc Trung Bộ.

Việc nâng cấp cảng Cửa Lò ngày càng phục vụ tốt hơn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa
Việc nâng cấp cảng Cửa Lò ngày càng phục vụ tốt hơn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa

Là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, thời gian qua, hoạt động TM-DV trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực, vùng miền. Giá trị sản xuất dịch vụ bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 7,1%/mục tiêu 9 - 10%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2016 - 2018 tăng 11,8%. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 405 chợ, 44 siêu thị, 4 kho xăng dầu, hơn 5.500 doanh nghiệp (DN) và hơn 143.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực TM-DV. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, từ 705,2 triệu USD năm 2015 tăng lên 992,35 triệu USD vào năm 2017.

TM-DV có bước phát triển nhanh chóng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, phương thức kinh doanh ngày càng hiện đại, với hơn 5.500 DN và hơn 143.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực TM-DV. Tổng số vốn sản xuất, kinh doanh bình quân hàng năm của các DN và hộ kinh doanh đạt gần 150.000 tỉ đồng; lao động trong lĩnh vực TM-DV khoảng 290.200 người, chiếm xấp xỉ 15,6% tổng số lao động toàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá, số DN hoạt động trong lĩnh vực này còn khá khiêm tốn, chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể, trong đó chưa có những DN lớn, có thương hiệu. Lĩnh vực xuất khẩu tuy tăng trưởng mạnh nhưng đến nay chưa đạt 1 tỉ USD, chỉ đạt 0,3% của cả nước; trong đó thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc (kim ngạch xuất khẩu chiếm gần 50%).

Cũng theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, thách thức lớn trong phát triển TM-DV của tỉnh nhà là Nghệ An chưa phải là địa phương đứng trong top đầu của cả nước về chỉ số PCI nhưng những tiêu chí về phẩm chất bộ máy công quyền lại đang ở mức thấp. Điều này ảnh hưởng nhất định đến việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, tính cạnh tranh giữa các DN cung ứng dịch vụ trong và ngoài nước cũng tăng lên, trong khi các DN Nghệ An hoạt động trên địa bàn phần lớn có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít. Mức sống của người dân thấp hơn so với bình quân chung của cả nước cũng là một hạn chế đối với sự phát triển TM-DV của tỉnh.

Trước thực tế trên, để tạo đà thúc đẩy sự tăng trưởng lĩnh vực này, việc thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng TM-DV là vấn đề cấp thiết. Theo Tiến sĩ Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển.

Bên cạnh các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và các sản phẩm, cải thiện môi trường kinh doanh, theo ý kiến của các chuyên gia, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích đầu tư vào công nghiệp chế tạo, tạo thị trường cho phát triển dịch vụ cũng như phát triển mạnh dịch vụ logistic; thông qua việc xây dựng các trung tâm logistic tại TP Vinh, TX Thái Hòa, TX Hoàng Mai với quy mô phù hợp; tạo kết nối giữa các vùng nội tỉnh cũng như các tỉnh bạn để phát triển lưu thông hàng hóa, tăng giá trị của dịch vụ phân phối và phát triển dịch vụ du lịch...

Liên quan đến thực tế nông sản “được mùa, rớt giá” thời gian qua, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhận định, việc chăm lo tiêu dùng thương mại đang ít được quan tâm do chỉ chú trọng đến sản xuất mà bỏ ngỏ vấn đề tiêu thụ, thương mại. Do đó, Nghệ An cần đặc biệt quan tâm phát triển chợ đầu mối. Bên cạnh việc mở rộng quy mô, chợ đầu mối cần tăng cường các dịch vụ phụ trợ, các khu chức năng.

Bên cạnh đó, chính quyền cần có chính sách khuyến khích thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển chợ đầu mối; bố trí quỹ đất đáp ứng nhu cầu xây dựng chợ với đầy đủ các khu vực chức năng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, thay đổi phương thức giao dịch theo hướng hiện đại, phát triển dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, giám định chất lượng hàng hóa; tăng cường kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và áp dụng các phương thức truy xuất hàng hóa kinh doanh tại chợ; tăng cường quản lý và cải thiện tình hình vệ sinh môi trường…

Cầu thị tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, tin tưởng rằng, Nghệ An sẽ sớm hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm TM-DV của khu vực Bắc Trung Bộ.

Thùy Dương

Các tin khác