Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT tại “Hội nghị định hướng giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”, Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Đến nay, sản phẩm gỗ và lâm sản Việt nam đã có mặt ở trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Xuất khẩu hơn 8 tỷ USD
Ngành chế biến gỗ và lâm sản là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực và là một trong số ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam (giá trị xuất siêu năm 2017 đạt 73%).
Thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã đạt được những kết quả tích cực. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt trên 8 tỷ USD vào năm 2017, tăng 8 lần so với năm 2005; tăng 10% so với năm 2016.
7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ và lâm sản đạt kim ngạch 5,3 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, bao gồm 3.900 doanh nghiệp trong nước và 600 doanh nghiệp FDI.
Hơn 500.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Ngoài ra, còn thu hút hàng triệu lao động ở khu vực nông thôn miền núi trong lĩnh vực trồng rừng, cung cấp nguyên liệu.
Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Đến nay, sản phẩm gỗ và lâm sản Việt nam đã có mặt ở trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc.
Chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành chế biến gỗ và lâm sản cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế cũng như đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, nổi bật nhất là việc chưa chủ động nguồn nguyên liệu. Lâm sản khai thác từ rừng trồng trong nước chưa đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Trong khi đó, chất lượng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước còn thấp do khai thác sớm, gỗ còn non.
Bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu cũng còn nhiều hạn chế về quy mô, năng lực.
Trong hơn 4500 doanh nghiệp chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, thương hiệu nổi bật, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hệ thống phân phối hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động tiếp thị quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức.
Trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế, đa số là gia công, làm theo các đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài. Sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành; giữa doanh nghiệp với người dân chưa cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của toàn ngành.
Bên cạnh đó, công nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ cho ngành chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu chưa phát triển. Doanh nghiệp còn phải nhập các loại vật liệu quan trọng như sơn, keo, máy móc… làm gia tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Chủ yếu là lao động phổ thông, năng suất thấp, khó chuyển giao công nghệ mới, hiện đại.
Thời gian gần đây, sản phẩm gỗ, lâm sản đang chịu sự cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường quốc tế. Các nước như Australia, Nhật, Hàn Quốc ban hành nhiều tiêu chuẩn rất cao đối với các sản phẩm gỗ, lâm sản xuất khẩu, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Một hạn chế nữa hạn chế phát triển nhanh, bền vững của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sảm xuất khẩu là cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý và môi trường phát triển lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu còn thiếu đồng bộ và chưa hoàn thiện.
.