(Congannghean.vn)-Là dự án do Nhật Bản tài trợ, được kỳ vọng sau khi đi vào hoạt động sẽ nâng cao công tác quản lý khám, chữa bệnh (KCB) trên địa bàn Nghệ An. Tuy nhiên, sau một thời gian thí điểm, dự án đã buộc phải dừng lại vì những bất cập mà nó mang lại.
Trạm Y tế phường Hà Huy Tập, TP Vinh - nơi được coi là xuất phát điểm của lỗi phần mềm hệ thống quản lý khám, chữa bệnh Mame-net |
Thời gian vừa qua, theo phản ánh của một số người dân tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, cho rằng hệ thống phần mềm khám bệnh, cấp thuốc tại 25 phường, xã của UBND TP Vinh đã được Sở Y tế hợp đồng với nhà mạng của Nhật Bản để thực hiện nhưng từ tháng 9/2017 đến nay không hoạt động, không có nhân viên phần mềm hỗ trợ làm công tác KCB khiến công tác KCB tại 25 trạm y tế bị đình trệ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân có thẻ BHYT khi đến khám tại trạm y tế.
Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết, các trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP Vinh là những đơn vị được hưởng Dự án triển khai và kiểm chứng hệ thống mạng lưới thông tin y tế khu vực nhằm nâng cao chất lượng y tế tại Việt Nam (Dự án Mame-net). Đây là Dự án mini ODA của Nhật Bản triển khai 2 giai đoạn, bắt đầu từ năm 2014 và bàn giao vào tháng 8/2016. Dự án bao gồm 2 phần mềm: Phần mềm Mame-net quản lý điều hành văn bản và quản lý chuyển viện của Công ty Techno Project (TPJ) của Nhật Bản và phần mềm CyberMedisoft quản lý KCB của Công ty Links toàn cầu. 2 phần mềm này đều do 2 công ty trực tiếp cài đặt và hướng dẫn sử dụng cho từng phần mềm riêng.
Giai đoạn đầu, từ nguồn vốn Mofa (Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ), đã triển khai tại Bệnh viện Giao thông Vận tải, Trung tâm Y tế TP Vinh và 25 phường, xã trực thuộc UBND TP Vinh. Giai đoạn 2 của dự án thực hiện từ tháng 1/2015 đến tháng 9/2016, sử dụng nguồn vốn mini ODA từ Chính phủ Nhật Bản, triển khai mở rộng tại Trung tâm Y tế TP Vinh, Bệnh viện Đa khoa Thái An, Bệnh viện Y học cổ truyền và 25 phường, xã của TP Vinh, với kinh phí thực hiện của giai đoạn này khoảng 850.000 USD. Ngoài phần mềm Mame-net để trao đổi thông tin liên quan đến sức khỏe, y tế và thông tin của bệnh nhân, Dự án còn đặt máy chủ quản lý dữ liệu tại Sở Y tế, máy chủ và thiết bị mạng LAN cho các bệnh viện và máy tính xách tay cho các trạm y tế xã, phường.
Ông Hoàng Văn Khang, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nghệ An cho biết: Ưu điểm của Dự án là đã thiết lập được mạng lưới thông tin y tế liên thông từ Sở Y tế đến các bệnh viện, Trung tâm Y tế đến các trạm y tế xã, phường. Đồng thời, Dự án còn đưa công nghệ hiện đại vào phục vụ các cơ sở KCB, góp phần thực hiện thành công đề án y tế điện tử tỉnh Nghệ An, đề án chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, quá trình hoạt động đã bộc lộ những nhược điểm như thời gian triển khai chậm và kéo dài, dẫn đến không bắt kịp xu thế. Phần mềm Mame-net ưu điểm lớn nhất là quản lý chuyển tuyến, song từ sau khi Thông tư 40 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến, nhất là từ ngày 1/1/2016 thực hiện việc thông tuyến KCB đối với các cơ sở KCB tuyến huyện, xã trong toàn tỉnh, thì việc quản lý chuyển tuyến không còn có ý nghĩa đối với các cơ sở KCB cùng hạng hoặc từ tuyến xã, phường lên tuyến huyện. Ngoài ra, quá trình vận hành, phần mềm Cyber Medisot cũng gặp những khó khăn nhất định dẫn đến chậm thanh toán BHYT, khiến bệnh nhân bức xúc.
Cụ thể, tháng 10/2017, phầm mềm KCB BHYT phường Hà Huy Tập, TP Vinh bị lỗi dữ liệu không thể thực hiện được và số liệu hàng quý bị xuất toán. Sở Y tế đã liên hệ với Công ty Links Toàn cầu để hỗ trợ các trạm y tế nhưng đến tháng 12/2017, công ty này vẫn không giải quyết. Y sĩ Trần Đình Cần, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hà Huy Tập xác nhận, hệ thống phần mềm Mame-net bị lỗi dẫn đến công tác KCB tại đây bị đình trệ là có thật. Quá trình sử dụng có những bất cập như khi nhập thông tin bệnh nhân, nếu sai sẽ dẫn đến mất hết dữ liệu; hoặc khi tiến hành phân loại độ tuổi của bệnh nhân rất khó khăn; việc phân loại và nhập các loại thuốc để phục vụ cho công tác KCB bất cập… Cũng chính những vướng mắc đó mà khoảng 3 tháng cuối năm 2017, tại Trạm Y tế phường Hà Huy Tập gần như bị ngưng trệ, khiến cho công tác KCB bị ảnh hưởng, quyền lợi của người dân không đảm bảo.
Để có sự thống nhất trong quản lý ngành, tất cả các trạm y tế xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh đã dùng chung một phần mềm. Sở Y tế đã lựa chọn phần mềm VNPT-HIS của VNPT Nghệ An trên tất cả các trạm y tế xã, phường trên địa bàn TP Vinh từ tháng 1/2018 để thay thế phần mềm Mame-net. Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 480 trạm y tế xã cũng đã chuyển sang sử dụng phần mềm của Tập đoàn VNPT.