Kinh tế xã hội
Nhiều dự án tái định cư 'cấp thiết' hoang tàn
08:37, 28/07/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Được đầu tư số tiền hàng trăm tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện, song đến nay trên địa bàn Nghệ An có nhiều dự án tái định cư thuộc nhóm dự án “cấp thiết” lại đang kéo dài trong nhiều năm. Điều đó cho thấy, các dự án này không còn đúng với mục tiêu đã được phê duyệt ban đầu và khó có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng như dự kiến.
Điển hình, dự án di dời dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, lũ quét, sạt lở ở bản Quắn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp đã được triển khai từ năm 2010. Tuy nhiên, sau 8 năm, dự án mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 là san nền tạo mặt bằng. Vì chưa có điện lưới và nước sinh hoạt nên nhiều hộ dân vùng tái định cư chưa thể di dời lên nơi ở mới an toàn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đồng bào các dân tộc sinh sống trên vùng Mường Hạt, Mường Nghinh thuộc các xã Châu Tiến, Liên Hợp và Châu Thành, huyện Quỳ Hợp nhiều năm phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ các trận lũ lụt, lốc xoáy. Cuộc sống vốn đã khắc nghiệt, khi thiên tai ập đến khiến hàng chục hộ dân nơi đây không kịp trở tay. Mưa lũ nhấn chìm ruộng vườn, hoa màu, nhà cửa, tài sản trâu, bò vốn là "chỗ dựa" bao đời nay của họ.
Hàng loạt khung nhà sàn phơi nắng, phơi sương hàng chục năm trời tại khu tái định cư cho người Đan Lai, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông |
Trước tình hình trên, thực hiện Quyết định 193, ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo (giai đoạn 2005 - 2010), tháng 8/2010, huyện miền núi Quỳ Hợp được phê duyệt Dự án đầu tư di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở tại 2 xã Châu Tiến và Liên Hợp theo Quyết định 966/QĐ-UBND ngày 29/3/2011, với tổng số vốn toàn Dự án lên đến 36,134 tỉ đồng. Theo đó, Dự án được triển khai giai đoạn 1 từ năm 2012 - 2014, có 42 hộ dân của bản Pật, xã Châu Tiến, 31 hộ dân ở bản Duộc và bản Quắn, xã Liên Hợp dọc sông Tèn được tái định cư. Kinh phí được phê duyệt là 17,411 tỉ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 12,188 tỉ đồng, địa phương 5,223 tỉ đồng).
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án huyện Quỳ Hợp, Dự án di dời dân khẩn cấp tại vùng thiên tai, sạt lở nói trên được triển khai từ năm 2010 ở 2 xã Liên Hợp và Châu Tiến. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 san nền đã được đầu tư hơn 17 tỉ đồng; còn giai đoạn 2 kéo điện lưới và hệ thống nước sạch hiện vẫn chưa triển khai được, do thiếu nguồn vốn đầu tư. Lãnh đạo xã Liên Hợp cho biết thêm, địa phương cũng đã nhiều lần đề cập vấn đề dự án chậm tiến độ trong những cuộc họp Hội đồng nhân dân, tiếp xúc cử tri, đồng thời đã gửi văn bản báo cáo cho các cấp chính quyền. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để hoàn thành.
Hay như Dự án tái định cư thuộc Đề án Bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/2006/QĐ-TTg ngày 19/12/2006, tổng mức đầu tư 93,244 tỉ đồng. Cụ thể, tại hợp phần 1 xây dựng khu tái định cư (TĐC) và di chuyển 146 hộ người dân tộc thiểu số Đan Lai đang sinh sống trên thượng nguồn khe Khặng thuộc 2 bản Khe Cồn, bản Búng, xã Môn Sơn đến vùng TĐC tại 3 bản Kẻ Giai, Kẻ Tắt, Bá Hạ thuộc xã Thạch Ngàn. Riêng điểm TĐC Kẻ Tắt được phê duyệt xây dựng 40 ngôi nhà và các công trình phụ trợ kèm theo; xây dựng trường học 5 phòng, nhà ở giáo viên… với tổng vốn trên 36,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn để xây dựng nên tại khu TĐC bản Kẻ Tắt bỏ hoang nhiều năm, đến nay vẫn chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Một dự án tái định cư không kém phần quan trọng và cũng được đầu tư với số vốn rất lớn đó là Dự án “Xây dựng mẫu các khu TĐC cho hộ dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương”. Theo Quyết định số 1479/QĐ-UBND ngày 21/4/2009 của UBND tỉnh Nghệ An thì gần 300 hộ dân vạn chài ven sông Lam sẽ được bố trí tại khu TĐC Khe Mừ, xã Thanh Thủy và khu TĐC Triều Dương, xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Ngày 7/5/2010, Dự án TĐC làng chài tại Khe Mừ, xã Thanh Thủy và Triều Dương, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương được khởi công. Dự án do Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư, số vốn ban đầu được duyệt là 74 tỉ đồng, sau khi điều chỉnh quy hoạch lần hai với tổng mức dự án gần 84 tỉ đồng.
Để triển khai Dự án khu TĐC Khe Mừ, chủ đầu tư đã tiến hành thu hồi gần 300 ha đất sản xuất của 49 hộ dân. Sau khi có chủ trương thu hồi đất của Nhà nước, người dân có đất sản xuất tại khu vực Khe Mừ, xã Thanh Thủy đã nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, nhanh chóng thu hoạch hoa màu, sản vật trên đất… sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa máy móc, nhân lực rầm rộ đến công trường thi công, dự án này chững lại, sau đó thì dừng hẳn. Do vậy, hiện một số hạng mục công trình đang dở dang, bắt đầu hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Dự án TĐC Khe Mừ nhiều năm bỏ hoang hàng trăm ha đất rừng. Thấy xót của, mới đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Thanh Thủy đã tái lấn chiếm đất của dự án để trồng cây công nghiệp (chủ yếu cây keo lai), một số gia đình chăm sóc lại vườn chè…
Thực tế cho thấy, ngoài một số dự án nêu trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn khá nhiều dự án TĐC khác cũng đang dở dang, số vốn đầu tư cho các dự án này rất nhiều tỉ đồng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là số vốn đầu tư cho các dự án chưa đủ như đã phê duyệt nên dự án “cấp thiết” nhưng xây dựng hàng chục năm chưa hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, gây lãng phí rất lớn và điều quan trọng là mục tiêu đặt ra của dự án không đạt được.
V. Thành