Ô tô - Xe máy

Cần kiểm tra bộ phận nào trên xe hơi sau khi đi đường ngập nước?

08:31, 26/07/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Sau khi sử dụng xe hơi dưới trời mưa và đường ngập nước, các loại bùn đất, nước bẩn sẽ có tác động xấu đến tuổi thọ chiếc xe, nên việc chỉ rửa và bảo dưỡng xe vẫn là chưa đủ.

Nhiều chủ sở hữu cho rằng, xe hoạt động thường xuyên trong mùa mưa sẽ không bị tác động nhiều đến tuổi thọ và có thể chờ đến thời điểm khô ráo mới cần vệ sinh và bảo dưỡng để tiết kiệm chi phí và thời gian. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm và có thể gây tổn hại đến chất lượng xe cũng như tính mạng của người sử dụng.

Nhiều bộ phận của xe hơi cần được bảo dưỡng ngay sau khi lội nước - Ảnh minh họa.
Nhiều bộ phận của xe hơi cần được bảo dưỡng ngay sau khi lội nước - Ảnh minh họa.

Nếu không thể thường xuyên vệ sinh chiếc xe sau khi đi đường ngập nước, một số bộ phận dưới đây vẫn cần phải lưu tâm làm sạch để chắc chắn chiếc xe luôn an toàn cho mỗi hành trình.

Gầm xe chịu ảnh hưởng lớn bởi nước mưa và bùn đất bẩn. Các chi tiết dưới gầm vốn được bảo vệ bởi lớp sơn chống gỉ nhưng chi tiết này thường bị ăn mòn theo thời gian bởi tác động của tự nhiên. Nếu lớp phủ này mất tác dụng, nên sớm thay thế bằng một lớp phủ mới để bảo vệ xe tốt hơn và chi phí thay thế sớm cũng không quá tốn kém.

Đối với hệ thống phanh, ngoài nguy cơ han rỉ mạnh, bùn đất khi lọt vào các khớp chuyển động của hệ thống treo, rô-tuyn hệ thống lái còn có thể khiến các khớp này bị kẹt, gây nên nhiều tác hại lớn như kẹt phanh tay, phanh đĩa nhả chậm. Bởi vậy, nên thực hiện việc kiểm tra cũng như có giải pháp bảo dưỡng kịp thời hệ thống phanh sau những lần đi mưa.

Cần gạt nước mưa thường ít được quan tâm bảo dưỡng dù đây là một bộ phận rất quan trọng ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển. Sau một thời gian dài hoạt động liên tục, lưỡi cao su sẽ bị bào mòn, mất khả năng đàn hồi và không thể gạt sạch nước. Do đó, nên kiểm tra vào bảo dưỡng chi tiết này để đảm bảo khả năng quan sát khi lái xe trong thời tiết xấu. Ngoài ra, sau khoảng một năm sử dụng, cần gạt mưa cũng cần phải thay thế định kỳ.

Do khoang động cơ nơi chứa dây cu-roa không kín hoàn toàn nên khi di xe di chuyển trong mưa, bùn đất và nước bẩn có thể lọt vào bên trong gây nên hiện tượng trượt đai. Không chỉ khiến xe bị yếu đi, hao xăng, tăng ga bị giật, hiện tượng này còn khiến khả năng gia tốc của xe kém và có tiếng rít bất thường từ bộ truyền động,… Nếu phát hiện dây cu-roa bị bám bùn người dùng có thể lau sạch dây đai và bánh đai bằng khăn sạch.

Đèn pha có thể bị nước mưa xâm nhập, bởi vậy, khi nhận thấy hiện tượng đèn xe bị đọng sương trong khoảng thời gian hơn 10 phút sau khi di chuyển dưới mưa, tài xế nên đưa xe đến các trung tâm bảo dưỡng xe gần nhất để kiểm tra.

Lốp xe là bộ phận quan trọng nhưng ít người để ý. Khi di chuyển dưới mưa đường sẽ trơn trượt hơn, do đó một chiếc lốp quá mòn sẽ làm tăng nguy cơ nguy hiểm. Bởi vậy, chủ sở hữu nên kiểm tra lốp xe thường xuyên, tốt nhất là vào đầu mùa mưa.

Nguồn: Minh Quang/Báo CAND

Các tin khác