Kinh tế xã hội
Dân bất an vì 1 xã, 2 dự án
(Congannghean.vn)-Tại xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn có Dự án Nhà máy than củi sạch triển khai xây dựng từ nhiều năm nhưng “đắp chiếu”, không đi vào hoạt động. Mới đây, Dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF Nghệ An tiếp tục khởi công trên địa bàn khiến người dân lo lắng vì tính khả thi.
Dự án Nhà máy than củi sạch sau 4 năm triển khai vẫn còn vướng mắc |
Ngày 12/6/2014, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cho phép Công ty TNHH Nhiên liệu sạch (địa chỉ tại xóm 3, xã Văn Sơn, huyện Đô Lương) khảo sát lựa chọn địa điểm lập quy hoạch để đầu tư Dự án Nhà máy than củi sạch tại Khu công nghiệp (KCN) Tri Lễ thuộc địa bàn xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn. Ngày 2/7/2014, dự án này đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 và được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 14/7/2014. Mức đầu tư dự án là 129,252 tỉ đồng, 100% nguồn vốn là vốn tự có của doanh nghiệp. Quá trình triển khai, dự án đã vấp phải sự phản đối của người dân vì họ bị chặn mất con đường độc đạo dẫn xuống bãi bồi để canh tác, sản xuất khi doanh nghiệp tiến hành xây dựng bờ rào và rào luôn cả con đường mòn dẫn xuống phà Tri Lễ.
Sau 3 năm, dự án vẫn chưa đưa vào hoạt động nên ngày 21/3/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, tổ chức đoàn kiểm tra tại dự án này. Kết quả cho thấy, dự án đã triển khai xây dựng một số hạng mục công trình. Tuy nhiên, còn nhiều hạng mục công trình chưa xây dựng, vị trí xưởng máy sấy xây dựng không phù hợp với bản vẽ quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt. Một phần diện tích lớn chưa đưa đất vào sử dụng, hoặc đang để các hộ gia đình sản xuất không đúng với mục đích sử dụng đất khi được nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.
Trước những sai phạm này, UBND tỉnh đã thống nhất tạo điều kiện cho doanh nghiệp, gia hạn tiến độ thực hiện thêm 24 tháng, tính đến ngày 30/11/2019, để khắc phục và xây dựng các hạng mục còn lại, nếu không sẽ thu hồi phần diện tích đất không triển khai xây dựng. UBND tỉnh cũng yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian được gia hạn.
Trong khi Dự án Nhà máy than củi sạch hơn 4 năm triển khai nhưng chưa thể đi vào hoạt động, gây ra không ít hệ lụy cho người dân, những vướng mắc liên quan chưa được tháo gỡ thì tháng 5/2018, cũng tại xã Khai Sơn, 1 dự án “khủng” khác đã được triển khai xây dựng, đó là Dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF Nghệ An do Công ty CP Gỗ MDF Nghệ An làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô ván sợi MDF 180.000 m3/năm và gỗ ván thanh 2.400 m3/năm, với tổng mức đầu tư 1.754 tỉ đồng.
Theo thông tin từ cán bộ địa chính xã Khai Sơn, dự án thu hồi 26,5 ha đất nông nghiệp, gồm 930 hồ sơ của 610 hộ dân, việc chi trả bồi thường về cơ bản đã hoàn tất. Quá trình triển khai dự án, nhiều người dân xã Khai Sơn cũng đã có ý kiến với chính quyền về những quan ngại, vướng mắc liên quan và đã được chủ đầu tư cam kết, giải quyết. Cụ thể, trong cam kết ban đầu, chủ đầu tư phải hoàn thành 3 tuyến đường dân sinh, di dời 2 tuyến mương, hệ thống đường điện và xây trạm cấp nước cho nhân dân tiếp tục sản xuất trên số diện tích còn lại không nằm trong diện thu hồi phục vụ dự án. Cho đến nay, chủ đầu tư mới chỉ hoàn thành được 1 tuyến đường dân sinh trong tổng số những cam kết trước đó.
Ông Đặng Duy Đô, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Anh Sơn cho biết, Dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF Nghệ An được chấp thuận đầu tư theo Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 14/2/2017 của UBND tỉnh Nghệ An, đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500. Về công tác giải phóng mặt bằng, cơ bản người dân không có ý kiến gì nên tạo điều kiện cho nhà đầu tư.
Cũng theo ông Đô, KCN Tri Lễ được thành lập từ nhiều năm qua, kêu gọi đầu tư nhưng các doanh nghiệp không mặn mà. Việc 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Nhiên liệu sạch và Công ty CP Gỗ MDF Nghệ An triển khai đầu tư vào là những tín hiệu đáng mừng. Mặc dù quá trình triển khai còn có những vướng mắc về thủ tục, hành lang pháp lý nhưng chính quyền sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, mục đích cuối cùng là vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, đảm bảo cuộc sống ổn định, an sinh cho bà con nhân dân.
Thiện Thành