Kinh tế xã hội

Mưa bão, ước tính thiệt hại hơn 630 tỉ đồng

09:00, 23/07/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Nghệ An, hậu quả của bão số 3 (bão Sơn Tinh) đã làm 1 người chết, hư hỏng nhiều tài sản của người dân và các công trình trường học, giao thông, thủy lợi… Ước tỉnh tổng thiệt hại do cơn bão gây ra là hơn 630 tỉ đồng.

Bão số 3 gây mưa lớn, nhiều ngôi nhà bị hư hỏng hoặc bị nước cuốn trôi
Bão số 3 gây mưa lớn, nhiều ngôi nhà bị hư hỏng hoặc bị nước cuốn trôi

Theo báo cáo ban đầu của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, bão số 3 đã làm 1 người thiệt mạng; 1.369 ngôi nhà bị ngập úng, nhiều nhà bị cuốn trôi, sạt lở, hư hỏng. Mưa bão cũng làm hơn 28.000 ha lúa bị ngập, hơn 7.500 ha rau màu hư hại và hàng nghìn diện tích cây trồng hàng năm, lâu năm, cây rừng bị ngập úng, gãy đổ. Ngoài ra, có 44 con gia súc và hơn 7.000 con gia cầm bị chết; hệ thống đường giao thông hư hỏng, sạt lở hơn 44 km (quốc lộ, tỉnh lộ), hơn 11.000 km đường ở địa phương bị sạt lở, bồi lấp, nhiều cầu tràn bị ngập, cầu tạm bị cuốn trôi… Tổng thiệt hại ước tính hơn 630 tỉ đồng.

Trước tình hình trên, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã, đang triển khai các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả bão số 3 và ứng phó với tình hình thời tiết mưa bão sắp tới. Cụ thể: Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, tăng cường thông tin đến các cấp chính quyền và người dân; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ sau bão để chủ động sơ tán, di dời dân cư ở vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng hạ du các hồ đập theo các kịch bản đã xây dựng trong phương án phòng, chống thiên tai của tỉnh và địa phương để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Thống kê các thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra. Tập trung xử lý ách tắc giao thông do mưa gây sạt lở. Hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người khu vực bị ngập, tràn qua suối, bến đò ngang. Thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại, giúp đỡ nhân dân tu sửa nhà cửa, ổn định đời sống, vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh. Triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, đặc biệt là đối với các công trình đang thi công, các sự cố đã xảy ra năm 2017. Kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông, chủ động tiêu úng phù hợp với tình hình của từng địa phương; có phương án giữ nước để phục vụ sản xuất hè thu. Đồng thời, các cơ quan thường trực cứu nạn, cứu hộ như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh... sẵn sàng phương tiện, lực lượng để làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.

Đ. Thắng

Các tin khác