Kinh tế xã hội
Nghịch lý 1 xã có 3 hợp tác xã nông nghiệp
(Congannghean.vn)-Tại xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) hiện đang tồn tại 3 hợp tác xã (HTX), với những bộ máy cán bộ cồng kềnh, tạo nên nhiều khoản thu bất hợp lý. Điều đáng nói, trong giai đoạn hiện nay, cơ cấu HTX đã lạc hậu thì các HTX này vẫn tồn tại khiến người dân khốn đốn.
Trụ sở làm việc của HTX Lam Cầu, 1 trong 3 mô hình HTX tại xã Quỳnh Thạch |
Năm 1988, thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc thực hiện khoán 10, giao ruộng đến từng hộ dân chuyển sang mô hình HTX dịch vụ cung cấp lịch thời vụ, giống, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ thu hồi công nợ, thu thủy lợi phí và thu thuế nông nghiệp cho Nhà nước, từ mô hình 1 HTX ban đầu, xã Quỳnh Thạch đã chia thành 3 HTX, gồm: HTX Quyết Thắng với 6 xóm, diện tích 162,5 ha; HTX Lam Cầu với 4 xóm, diện tích 143,27 ha và HTX Quỳnh Viên với 2 xóm, diện tích 60,19 ha đất nông nghiệp.
Nhân sự ban đầu chỉ có 3 người, nhưng từ sau khi chia 3 HTX, có đến 7 người được bầu vào ban quản trị, mỗi HTX có thêm 4 người khác phụ trách. Mỗi HTX cũng được đầu tư một trụ sở làm việc tương đối khang trang. Theo phản ánh của người dân, kinh phí để trả lương cho những “cán bộ” này cũng như đầu tư cơ sở vật chất đều được thu theo đầu người những xã viên của HTX. Theo quy định, lương chủ nhiệm HTX được trả bằng 85% lương phó chủ tịch UBND xã. Nếu thu về một mối, nghĩa là chỉ cần 1 HTX thì bà con xã viên ở Quỳnh Thạch chỉ phải trả lương cho 1 người thay vì 3 chủ nhiệm như bây giờ. Ngoài ra, theo đơn giá, các HTX thu từ 32 - 35 kg/sào nhưng số này đã bị chi trả lương cho cán bộ gần 40%, chỉ còn hơn 50% để chi vào các hoạt động khác của HTX.
Điều nghịch lý nữa là hiện nay, Nhà nước đã miễn thủy lợi phí hoàn toàn, thậm chí còn hỗ trợ thêm cho bà con nông dân, nhưng các HTX vẫn duy trì việc thu trên đơn giá 7 kg/sào đối với các xã viên để làm thủy lợi nội đồng. Thậm chí, theo phản ánh, Ban quản lý HTX còn trích trong đơn giá ra đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế 100% cho cán bộ của mình.
Năm 2012, Nhà nước chuyển sang mô hình HTX kiểu mới với hình thức, các thành viên tự nguyện hợp lại với nhau, tự góp vốn để phát triển. Tại xã Quỳnh Thạch, 3 HTX “đổi mới” theo cách giữ nguyên tất cả các xã viên của HTX cũ vào mô hình mới, nhưng không ký hợp đồng với xã viên. Đơn cử, HTX Lam Cầu có hơn 600 thành viên nhưng chỉ có 171 người nhất trí vào HTX mới, tuy vậy, toàn bộ xã viên HTX cũ vẫn bị thu trên đầu sào như mô hình HTX trước đó.
Theo quy định, HTX phải làm 3 nhiệm vụ: Nông nghiệp, dịch vụ và tín dụng. Hội đồng quản trị cân đối ngân sách từ các hoạt động của 3 nhiệm vụ trên để tự cân đối thu chi. Nhưng đến thời điểm hiện tại, 3 HTX tại xã Quỳnh Thạch hầu như chỉ có các trạm bơm là còn hoạt động. Các dịch vụ khác như tín dụng, vật tư, phân bón, giống, lịch thời vụ, dự báo… chủ yếu là do bà con xã viên tự thân vận động. Trong khi đó, UBND xã lại có 1 ban nông nghiệp và 1 hệ thống khuyến nông với đầy đủ thành phần từ xã đến tận các xóm. Mọi thông tin về sản xuất đều thông báo trên hệ thống truyền thanh. Như vậy, thực chất của các HTX hiện nay ở Quỳnh Thạch là chỉ điều tiết nước tại các trạm bơm, còn lại các hoạt động khác bà con xã viên phải tự túc hoàn toàn.
Theo quy định tại Điểm c, Điều 54, Luật HTX: “HTX không tổ chức được đại hội thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do thì giải thể”, 3 HTX này đã hơn 2 năm không tổ chức đại hội. Có rất nhiều vấn đề mà bà con xã viên đang thắc mắc nhưng chưa được giải đáp tại các HTX ở Quỳnh Thạch hiện nay. Vừa qua, HTX Lam Cầu đã bị UBND xã Quỳnh Thạch kiểm tra, thu hồi số tiền 34 triệu đồng do vi phạm trong thu chi. Trong lúc điều lệ HTX quy định sai phạm 500.000 đồng thì cách chức, vậy nhưng hiện Hội đồng quản trị vẫn tồn tại.
Thiện Thành