Kinh tế xã hội

Tăng cường đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt

08:44, 26/04/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thực tế cho thấy, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đang được đẩy mạnh nhằm tạo bộ mặt mới cho các địa phương. Trong đó, nước sạch nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng đã và đang được tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện; qua đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Cần có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại nhiều con sông gây ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt của người dân
Cần có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại nhiều con sông gây ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt của người dân

Đến cuối tháng 2/2018, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cung cấp cho 79.163 hộ dân đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 52.715 m3/ngày đêm tại 16 huyện. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng thiếu nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Nguồn nước không đảm bảo, bị nhiễm phèn, nhiễm mặn khiến người dân luôn bị ám ảnh bởi nỗi lo bệnh tật cận kề. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các huyện miền núi, vùng cao mà ở cả khu vực đô thị, nông thôn như các địa phương: Nghi Lộc, vùng lân cận TP Vinh. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, có nhiều công trình cấp nước sạch sinh hoạt vẫn đang thi công dang dở, dẫn tới sự lãng phí nguồn ngân sách.

Trước thực tế trên, do chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường của Trung ương đã kết thúc nên trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các dự án theo hướng kêu gọi xã hội hoá, giao cho các xã thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc huy động nguồn vốn đối ứng để hoàn thiện các công trình dở dang.

Cũng liên quan đến việc cung cấp nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, thời điểm năm 2011, Nghệ An chỉ có 11/421 xã đạt tiêu chí về nước sạch, vệ sinh môi trường, chiếm tỉ lệ 2,5%. Song đến nay, qua  7 năm, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân, kết quả xây dựng nông thôn mới đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn rộng, dân số đông nên kết quả thực hiện vẫn còn hạn chế.

Thời gian tới, Nghệ An sẽ triển khai Dự án “Cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ” trên địa bàn tỉnh do Quỹ viện trợ nước sạch cho phụ nữ - Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ. Nghệ An là 1 trong 5 tỉnh của nước ta được thụ hưởng dự án này. Mục tiêu dự án hướng đến là cải thiện sức khỏe cộng đồng và bình đẳng giới thông qua hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương nhằm tăng tỉ lệ tiếp cận nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Giai đoạn 3 của dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh sẽ chú trọng đến vai trò của chính quyền cấp huyện. Theo đó, nguồn kinh phí tài trợ cho tỉnh ta cũng sẽ được bố trí cao hơn so với các tỉnh khác, với mức hỗ trợ khoảng 6,2 tỉ đồng. Để dự án triển khai hiệu quả, tỉnh sẽ tiến hành thống kê, rà soát số lượng đối tượng dễ bị tổn thương và số hộ dân tộc thiểu số để dự án xem xét và đưa ra chỉ tiêu hỗ trợ.

Cũng liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người dân về vấn đề nước sạch, việc quy định giá nước sạch khu vực nông thôn cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm, trên cơ sở xác định việc xây dựng giá nước sạch sẽ hướng đến xu thế xã hội hóa trong đầu tư về công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh sau này. Theo đó, nhiều ý kiến đóng góp đã được các sở, ngành đưa ra như nên xây dựng giá chung cho đối tượng người dân vùng nông thôn và linh hoạt trong việc quy định giá cho từng vùng nông thôn (nông thôn miền núi, nông thôn đồng bằng, nông thôn vùng biển); đồng thời, giá đưa ra phải đảm bảo lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Bên cạnh đó, việc cung cấp nước sạch tại khu vực nông thôn trong thời gian tới cũng cần được thực hiện xã hội hóa trên hình thức kêu gọi các nhà đầu tư, nhằm giảm thiểu tối đa các chi phí và giúp người dân được sử dụng nguồn nước sinh hoạt tốt nhất.

Đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân và chất lượng cuộc sống mà còn hướng tới sự phát triển bền vững của địa phương. Bởi vậy, ngoài sự vào cuộc của các cấp ngành, địa phương, bản thân mỗi người dân cũng cần nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh; qua đó đảm bảo nguồn nước an toàn để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Thùy Dương

Các tin khác