Kinh tế xã hội
Nhà thầu 8 năm đi đòi nợ tiền thi công công trình của huyện
(Congannghean.vn)-Mặc dù dự án chưa hoàn thành nhưng đã kết thúc, nghiệm thu và đưa vào sử dụng, tuy nhiên, đến nay, sau 8 năm thi công, nhiều nhà thầu thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Châu Lộc - Liên Hợp - Châu Tiến tại huyện Quỳ Hợp vẫn chưa được thanh toán.
Tỉnh lộ 532 bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng do chưa hoàn thành nhưng đã đưa vào sử dụng |
Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã Châu Lộc - Liên Hợp - Châu Tiến có tổng chiều dài 17 km, hiện đã thi công được 16 km, với tổng mức vốn đầu tư ban đầu là 64 tỉ đồng, sau nâng lên 85 tỉ đồng, tính đến thời điểm này đã giải ngân được khoảng 72 tỉ đồng. Toàn bộ nguồn vốn cho dự án trích từ vốn trái phiếu Chính phủ và huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Thực hiện dự án này, UBND huyện Quỳ Hợp đã ký hợp đồng xây dựng với các công ty trên địa bàn, trong đó có gói thầu số 1 xây dựng nền mặt đường và các công trình trên tuyến, đoạn Km0+00 - Km10+00, giữa UBND huyện Quỳ Hợp với Liên danh Công ty CP XD&TM Đại Cường (Hà Tĩnh) và Công ty CP quản lý và Xây dựng giao thông thủy bộ Nghệ An, với giá trị hợp đồng hơn 26,9 tỉ đồng. Để thực hiện phần dự án của mình (50,52% giá trị hợp đồng), Công ty Đại Cường đã ký kết hợp đồng kinh tế số 09 với Công ty TNHH Thông Bình, trụ sở tại TP Vinh để công ty này xây dựng công trình cầu Bản Khột (Km9-238.00), thuộc dự án này, với giá trị hơn 2,1 tỉ đồng, cam kết hoàn thành vào tháng 10/2010.
Ông Hồ Văn Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thông Bình cho biết, ngay sau khi hợp đồng được ký kết, Công ty cũng như các đơn vị khác đã tập trung mọi nguồn nhân lực, vật lực để thi công dự án. Về cơ bản, các gói thầu đã hoàn thành theo đúng tiến độ, trong đó có công trình cầu Bản Khột mà Công ty Thông Bình thi công. Mặc dù vậy, đã hơn 8 năm nay, dự án chưa bàn giao nhưng đã đưa vào sử dụng, do chưa thanh, quyết toán nên các nhà thầu cũng rất vất vả khi đi “đòi nợ” từ huyện Quỳ Hợp. Điều đáng nói, mặc dù là chủ đầu tư nhưng toàn bộ hồ sơ, chứng từ gốc liên quan đến các gói thầu của dự án này, Ban quản lý (BQL) các dự án đầu tư xây dựng huyện Quỳ Hợp không hề giữ mà hiện đang trong tay các nhà thầu.
Ông Trương Hải Nam, Giám đốc BQL các dự án đầu tư xây dựng huyện Quỳ Hợp cho biết: Dự án này đã kết thúc từ năm 2014, tuyến đường cũng đã bàn giao cho UBND tỉnh quản lý vào năm 2016 (Tỉnh lộ 532). Mặc dù đến nay, dự án chưa được thanh, quyết toán nhưng do không có vốn nên dự án về cơ bản đã nghiệm thu, hoàn thành hay không hoàn thành thì cũng đã kết thúc, đến nay UBND huyện đang còn nợ các nhà thầu tiền thi công.
Về trách nhiệm trả nợ, theo ông Nam, huyện Quỳ Hợp cũng đã có các công văn đề nghị các nhà thầu phối hợp, song không nhận được sự hợp tác. Cụ thể, ngày 26/10/2016, BQL các dự án đầu tư xây dựng huyện Quỳ Hợp đã có công văn gửi Công ty CPXD&TM Đại Cường và Công ty CP Quản lý xây dựng giao thông thủy bộ Nghệ An, cho rằng dự án được thực hiện từ năm 2009 đến nay, cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay các bên vẫn chưa lập hồ sơ thanh toán, quyết toán (giá trị A-B), do vậy BQL đề nghị 2 công ty này có mặt để làm việc liên quan đến thanh, quyết toán công trình.
Tiếp đó, ngày 18/1/2017, BQL các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Quỳ Hợp có công văn gửi Công ty CP tư vấn giám sát xây dựng và Điện nhẹ SCS cùng Công ty Thành Đô, nội dung thông báo, để có đầy đủ hồ sơ trình UBND tỉnh quyết toán dự án hoàn thành, BQL đề nghị các đơn vị cung cấp hồ sơ liên quan đến đơn vị mình để có cơ sở quyết toán.
Về vấn đề này, ông Hồ Văn Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thông Bình cho rằng, tính đến nay, phía UBND huyện đang nợ Công ty Đại Cường hơn 2,5 tỉ đồng, trong đó gói thầu của Công ty Thông Bình là hơn 1 tỉ đồng. UBND huyện Quỳ Hợp có gửi công văn đề nghị phối hợp, tuy nhiên theo kiểu đánh đố nên doanh nghiệp không kịp thời có mặt để giải quyết. Trong khi đó, ông Lê Nguyễn Chất, Giám đốc Công ty TNHH Minh Sáng cũng cho rằng, phía UBND huyện Quỳ Hợp thiếu trách nhiệm phối hợp để trả nợ số tiền hơn 6 tỉ đồng từ dự án này mà huyện đang nợ Công ty.
Vướng mắc hiện nay là do, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2009 - 2015 cho dự án này đã kết thúc, hiện nay đang tìm các nguồn vốn hợp pháp khác. Theo ông Trương Hải Nam, nghĩa vụ của huyện là phải trả nợ cho các nhà thầu, nhưng theo phương thức và phương án nào thì đang tìm giải pháp. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hằng năm, các huyện miền núi, trong đó có Quỳ Hợp đều được cấp nguồn vốn tự chủ gần 20 tỉ đồng để đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn vốn này cũng có thể trích một phần để giải quyết tồn đọng, vướng mắc từ các dự án trước đó. Giải pháp này tại sao UBND huyện Quỳ Hợp không nghĩ đến để chia sẻ một phần khó khăn cho các nhà thầu, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay?
Trong một diễn biến khác, thực tế tại Tỉnh lộ 532, phóng viên nhận thấy, do dự án chưa hoàn thành nhưng vẫn nghiệm thu và đưa vào sử dụng nên đến nay đã bị xuống cấp rất nghiêm trọng. Hằng ngày, có tới hàng trăm lượt xe trọng tải lớn cày xới đã làm cho mặt đường gần như không còn chỗ nào lành lặn. Việc Tỉnh lộ 532 đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân các xã trên tuyến đường này, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
Thiên Thảo