Kinh tế xã hội

Vướng mặt bằng, nhiều dự án trọng điểm dở dang

15:19, 25/04/2018 (GMT+7)
 
(Congannghean.vn)-Không thống nhất được phương án đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) với người dân, nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn TP Vinh dù được khởi công cách đây nhiều năm nay vẫn dở dang. Bên cạnh đó, hiện một số dự án đang triển khai hoặc sắp triển khai cũng đang rơi vào tình trạng tương tự.

Cụ thể, dự án đường 72 m (ngã ba Quán Bàu - đường Trương Vân Lĩnh) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 2112/2004, khởi công ngày 26/12/2006; điều chỉnh tổng mức đầu tư lần thứ 3 năm 2014 là  264.017.000.000 đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 75.639.000.000 đồng, chi phí quản lý dự án 1.154.000.000 đồng, bồi thường GPMB 175.609.000.000 đồng..., do Ban Quản lý các dự án xây dựng dân dụng và kỹ thuật hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư. Đây là một trong những công trình quan trọng của TP Vinh, nối với Đại lộ Vinh - Cửa Lò nhưng lại là công trình thi công chậm nhất từ trước đến nay, gây lãng phí lớn. 
Dự án đường 72 m từ ngã ba Quán Bàu - đường Trương Vân Lĩnh                          vướng mặt bằng, sau 12 năm thi công vẫn chưa xong
Dự án đường 72 m từ ngã ba Quán Bàu - đường Trương Vân Lĩnh vướng mặt bằng, sau 12 năm thi công vẫn chưa xong
Từ khi khởi công đến nay tính ra đã 12 năm (2006 - 2018), thế nhưng dự án này vẫn đang dở dang vì vướng mặt bằng. Bên cạnh đó, dự án đã phải 3 lần điều chỉnh, đội vốn lên 264 tỉ đồng; đến nay nhà thầu đã thi công xong phần đất đã đền bù GPMB. Hiện, còn vướng mặt bằng liên quan 9 hộ dân của xã Nghi Phú (TP Vinh) do người dân vẫn chưa chấp nhận các phương án đền bù, tái định cư nên chưa thể tiến hành thi công hoàn thiện tổng tuyến.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Nghi Phú cho biết: Mặc dù chính quyền địa phương và các cấp, ngành nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng người dân vẫn chưa chấp thuận các phương án đền bù GPMB. Theo ông Tùng, về đất nông nghiệp, các hộ dân đòi hỏi UBND TP Vinh đền bù ngang giá với một số phường, xã đã thực hiện trước đó; về đất ở, các hộ dân yêu cầu phải thực hiện phương án “đất đổi đất”. Đến thời điểm hiện tại, việc đền bù đất nông nghiệp đã cơ bản được người dân đồng ý, riêng vấn đề đất ở thì TP Vinh thống nhất phương án “đất đổi đất” nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường lại không đồng ý.
 
Dự án xây dựng đường giao thông 95 m nối TP Vinh - TX Cửa Lò có tổng chiều dài 10,832 km, điểm đầu Km0+00 giao đường Trương Văn Lĩnh - TP Vinh, điểm cuối Km10+832 giao đường Bình Minh - TX Cửa Lò, đi qua địa bàn TP Vinh (3,4 km), huyện Nghi Lộc (4,8 km) và TX Cửa Lò (2,632 km). Theo đó, dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 994/QĐ-UBND-CN ngày 3/3/2010 và phê duyệt điều chỉnh ngày 2/5/2012, có tổng mức đầu tư 4.157 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước với quy mô dài 10,832 km, theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị.
 
Tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ triển khai thi công được hơn 3 km nằm trên địa bàn TX Cửa Lò, chủ yếu là đi qua đất nông nghiệp. Phần còn lại chủ yếu đi qua địa phận xã Nghi Đức (hơn 120 hộ dân) và xã Nghi Phú (hơn 90 hộ dân) vẫn chưa hoàn thành GPMB. Theo ông Hoàng Thanh Tùng, vướng mắc chính nằm ở chính sách đền bù của Nhà nước đối với các hộ dân. Trước đây, một số dự án xây dựng khác như thu hồi đất để xây dựng Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh…, Nhà nước thực hiện chính sách đền bù với mức giá khác, đến nay chính sách đất đai thay đổi nhưng nhiều người dân vẫn đòi chính sách đền bù như trước đây, tuy nhiên không được chấp nhận.
 
Tại dự án xây dựng khu tái định cư phường Quán Bàu, đến nay dự án đã hoàn thành, tuy nhiên qua tìm hiểu, còn một số hộ dân vẫn không thống nhất phương án đền bù nên chủ đầu tư buộc phải “đóng gói thầu” để hoàn thành dự án kịp tiến độ. Do vậy, dù dự án đã hoàn thành nhưng một số vị trí do không giải phóng được mặt bằng nên có tình trạng nhà cửa nằm trên hành lang vỉa hè, hay một đoạn đường phải bỏ dở… 
 
Để xảy ra tình trạng trên, qua kiểm tra, làm việc về tiến độ các dự án, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, sự phối hợp giữa chủ đầu tư và Hội đồng bồi thường GPMB cùng các ngành liên quan chưa tốt, còn lúng túng trong việc chỉ đạo giải quyết những vấn đề nảy sinh nên công tác bồi thường, GPMB “giẫm chân tại chỗ”. Thậm chí, có trường hợp cần cưỡng chế nhưng chưa tiến hành cưỡng chế. 
 
Từ thực tế trên cho thấy, công tác bồi thường GPMB đóng vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện các dự án trọng điểm, mặt bằng quyết định đến tiến độ, chất lượng công trình thi công. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt giữa chủ đầu tư dự án, chính quyền các cấp, ngành liên quan trong công tác bồi thường GPMB.

Đ. Thắng

Các tin khác