(Congannghean.vn)-Để phát huy tiềm năng, lợi thế cũng như thu hút đầu tư phát triển du lịch, những năm qua, Nghệ An đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, mục tiêu phát triển du lịch theo chiều sâu, mang tính bền vững vẫn là một lộ trình dài và không ít khó khăn.
Khu du lịch Bãi Lữ được xem như là “Đà Lạt” thu nhỏ ở Nghệ An - Ảnh: Thu Hương |
Năm 2017, toàn tỉnh đón 5,96 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3,85 triệu lượt khách lưu trú, bằng 135% so với năm 2016 và đạt 106,9% kế hoạch năm; có 109.100 lượt khách quốc tế, bằng 142% so với năm 2016. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 6.086 tỉ đồng, trong đó doanh thu các dịch vụ du lịch đạt 3.092 tỉ đồng, tăng 38% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp không khói năm 2017 tăng so với năm 2016 - thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển, nhưng lại thấp hơn so với năm 2015. Lượng khách quốc tế đến Nghệ An có tăng nhưng không đáng kể; trong đó, mức chi tiêu của khách còn thấp. Nguyên nhân chính là do tỉnh thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc để giữ chân khách lưu trú.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần có sự đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ du lịch một cách bài bản, đồng bộ. Minh chứng cho điều đó là trong năm qua, các điểm đến như Vinpearl, Khu du lịch sinh thái Mường Thanh - Diễn Lâm… đã thu hút một lượng rất lớn du khách, bởi cơ sở hạ tầng và các dịch vụ độc đáo.
Ngoài yêu cầu về đầu tư, ngành du lịch cũng cần thay đổi tư duy xúc tiến, quảng bá các điểm đến và sản phẩm du lịch. Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An, hiện nay, tỉnh ta có quá nhiều làng nghề, di tích. Đi liền với đó, công tác quảng bá còn mang tính manh mún, dàn trải mà chưa có trọng tâm, trọng điểm để ghi dấu ấn đặc biệt đối với du khách. Du lịch tại một số địa phương bị rơi vào tình trạng chạy theo nhu cầu nhất thời, gây tác động tiêu cực tới hoạt động du lịch, dẫn đến suy giảm hiệu quả, chất lượng và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp không khói.
Cũng trong bối cảnh phát triển “nóng” hiện nay, việc cân bằng giữa phát triển công nghiệp và du lịch - dịch vụ đang là “bài toán” lớn và cũng là thách thức không nhỏ trong công tác quy hoạch phát triển đô thị tại các địa phương miền Trung.
Liên quan đến vấn đề này, Nghệ An cần học nghiên cứu vận dụng cách làm của nhiều tỉnh bạn trên cơ sở thực tế địa phương để áp dụng một cách linh hoạt, hiệu quả. Đơn cử như Đà Nẵng, ở góc độ phát triển đô thị, thành phố hiện đang chú trọng cả 2 mũi nhọn kinh tế này trong việc hoạch định cơ cấu đô thị. Theo đó, du lịch được phát triển ở các khu vực có cảnh quan đẹp, dọc theo bờ biển, các khu vực rừng núi có giá trị du lịch cao. Còn công nghiệp được quy hoạch xây dựng và phát triển tại các khu vực có quỹ đất đáp ứng nhu cầu nhưng ít giá trị về mặt tiềm năng, cảnh quan du lịch và có khả năng tiếp cận tốt các tuyến vận tải.
Cùng với yêu cầu cân bằng giữa phát triển công nghiệp và du lịch - dịch vụ, việc liên kết phát triển du lịch cũng đang trở thành xu hướng tất yếu nhằm hình thành các hành trình di sản văn hóa - tuyến, tour du lịch hoàn chỉnh, để có thể khai thác liên hoàn, phục vụ nhiều loại đối tượng du khách với các nhu cầu đa dạng.
Năm 2017, dù đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch 4 tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình, song trên thực tế, kết quả đạt được vẫn chưa cao. Hiện, vẫn chưa có bộ nhận diện thương hiệu định vị điểm đến của 4 tỉnh; ngân sách bố trí cho hoạt động liên kết còn hạn chế, thiếu ổn định.
Với phương châm hướng tới sự phát triển chung, trong thời gian tới, việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, không chồng chéo, có thể bổ trợ cho nhau cũng như các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh chung và tiếp tục phát triển tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” sẽ được 4 tỉnh chú trọng thực hiện.
Tin tưởng rằng, với sự đầu tư bài bản và tính liên kết cao cùng tầm nhìn mang tính bền vững, ngành công nghiệp không khói sẽ thực sự trở thành mũi nhọn kinh tế, mang lại doanh thu cao và góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tâm linh của tỉnh nhà.