Kinh tế xã hội

Cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua mía nguyên liệu

16:42, 01/02/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Mặc dù đã được quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho từng công ty, song thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra tình trạng cạnh tranh thu mua nguyên liệu mía thiếu công bằng. Việc các tư thương thu mua với giá cao hơn đang gây ra sự xáo trộn về vùng nguyên liệu cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy, ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương.

Liên tiếp trong 2 năm vừa qua xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua mía nguyên liệu
Liên tiếp trong 2 năm vừa qua xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua mía nguyên liệu

Tư thương phá giá, cả 3 công ty đều bất lực

Ngày 13/12/2017, Công ty Mía đường Sông Lam có trụ sở tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn chính thức bước vào vụ ép 2017 - 2018. Với công suất 1.500 tấn/ngày, từ những vùng nguyên liệu mía đã được quy hoạch trước đó, ông Phan Văn Hòa, Giám đốc nguyên liệu của Công ty rất tin tưởng sẽ đủ nguyên liệu để vận hành trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, trước ngày khởi động vụ ép, qua kiểm tra tình hình thực tế, Công ty phát hiện một số diện tích mía thuộc vùng nguyên liệu của Công ty đã bị tư thương thu mua về bán cho nhà máy khác cách đây gần nửa tháng.

Theo ông Hòa, việc này không chỉ gây thất thoát vốn của Công ty vì trước đó đã đầu tư cho người dân ở vùng nguyên liệu, mà còn làm ảnh hưởng đến sản lượng ép của Công ty trong suốt quá trình vận hành. Được biết, để hỗ trợ nông dân trồng mía nguyên liệu, hằng năm, Công ty đã phải bỏ ra số tiền hàng chục triệu đồng cho mỗi hộ. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, do bị tư thương đưa ra giá cao hơn giá nhà máy từ 2 - 3 giá nên nhiều người đã bán cho họ.

Tương tự, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU), đóng chân tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp cũng khởi động vụ ép mới vào đầu tháng 12/2017. Là nhà máy mía đường lớn nhất tỉnh, với công suất vận hành 8.000 tấn mía cây/ngày, Công ty này đã có vùng nguyên liệu mía khoảng 18.000 ha để đảm bảo công suất vận hành, được UBND tỉnh quy hoạch tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Quỳ Châu.

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Công ty, niên ép vừa qua, Công ty bị thất thoát trên 100 nghìn tấn mía nguyên liệu do tình trạng một số công ty khác đã tổ chức mạng lưới tư thương đi khắp vùng nguyên liệu đã quy hoạch cho Công ty từ Quỳ Châu đến Nghĩa Đàn để tổ chức thu mua mía với giá cao hơn. Tình trạng này cũng được Công ty CP Mía đường Sông Con tại huyện Tân Kỳ phản ánh, khi đã được khoanh vùng đầu tư, nhưng đến kỳ thu hoạch vẫn bị tư thương thu mua với giá cả thiếu cạnh tranh, làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của Công ty.

Đến thời điểm hiện nay, Công ty CP Mía đường Sông Con có 6.909 ha mía, quy hoạch tại 5 huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành và Đô Lương để phục vụ công suất 3,3 nghìn tấn mía cây/ngày. Niên vụ này, Công ty hỗ trợ 6,5 triệu đồng/ha đối với những địa phương quy hoạch vùng trồng mía tập trung trên 50 ha và thu mua với giá khởi điểm 860.000 đồng/tấn. Trong 10 ngày đầu, Công ty có chính sách ưu tiên thu mua mía không phân loại. Chính sách ưu đãi là vậy, nhưng khi tư thương đến thu mua với giá cao hơn, một số hộ dân trồng mía sẵn sàng bán lại, bất luận trước đó đã nhận tiền đầu tư từ Công ty khác.

Đâu là nguyên nhân?

Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đã tìm đến một số vùng nguyên liệu mía tại các huyện Tân Kỳ và Anh Sơn, nhiều người dân thừa nhận trước đó họ đã nhận đầu tư từ nhà máy, nhưng khi có người trả giá cao hơn họ sẵn sàng bán. Ông Nguyễn Ngọc Th. (SN 1943) trú tại xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn thừa nhận, diện tích mía của gia đình thuộc vùng quy hoạch nguyên liệu của Công ty Cổ phần Mía đường Sông Lam. Đầu vụ ông này đã nhận tiền đầu tư nhưng vừa qua, do cần tiền chữa bệnh nên khi tư thương hỏi mua, ông đã bán hơn 10 tấn, cũng không rõ thu mua cho nhà máy nào.

Một người dân khác tại xã này cho biết thêm, do tư thương hỏi mua với giá cao, lại vào tận vườn để thu mua, người dân không phải chờ lâu như khi bán cho các nhà máy nên họ quyết định bán sớm để chuẩn bị cho mùa vụ mới.

Mới đây nhất, sau khi có phản ánh từ các công ty, các ngành chức năng đã vào cuộc và xác định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do các công ty thiếu nguyên liệu mía và công tác quản lý, thực hiện quy hoạch các vùng nguyên liệu mía chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc thực hiện cam kết hợp đồng với các nhà máy chưa tốt, vẫn còn tình trạng đã ký kết và nhận đầu tư của Công ty nhưng khi thương lái trả giá cao hơn lại phá hợp đồng.

Để chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua nguyên liệu mía, trong 2 năm 2016 và 2017, UBND tỉnh đã liên tiếp có 4 công văn gửi các công ty mía đường và chính quyền địa phương vùng nguyên liệu về việc ngăn chặn tình trạng tranh mía nguyên liệu của công ty mía đường. Ngày 14/6/2017, Sở NN&PTNT Nghệ An cũng đã tổ chức cuộc họp với đại diện 3 nhà máy và các đơn vị liên quan, qua đó chỉ đạo các nhà máy rà soát lại quy hoạch của từng xã, từng thửa để tổ chức trồng mía trên diện tích đã quy hoạch cho nhà máy, không được xâm phạm vào vùng nguyên liệu của từng công ty theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Ngoài ra, để chấm dứt tình trạng cạnh tranh giá thu mua nguyên liệu mía giữa các nhà máy đường trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện có vùng nguyên liệu, chỉ đạo bà con nông dân trồng mía theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt để đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy hoạc động; đồng thời, thực hiện nghiêm hợp đồng khi đã ký kết với các công ty. Chấm dứt tình trạng đã ký kết và nhận đầu tư của công ty nhưng khi thương lái trả giá cao hơn lại phá hợp đồng. Đối với các công ty mía đường, ngoài việc nâng cao chất lượng đầu tư, tuyệt đối không đầu tư trên các vùng đã quy hoạch cho công ty khác. Cùng với việc có chính sách hỗ trợ cho người dân, giữa các công ty cần chia sẻ lợi ích, lợi nhuận để có giá thu mua hợp lý, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên để tạo mối liên kết bền vững, lâu dài.

Thiện Thành

Các tin khác