Kinh tế xã hội
'Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư huyện Nam Đàn'
(Congannghean.vn)-Ngày 26/1, Báo Công an Nghệ An đăng bài viết “Thi công công trình sau “phá” hạ tầng dự án trước”, phản ánh về việc trong quá trình thi công mương thoát nước trên Quốc lộ 46, các nhà thầu đã đào bới cột bêtông thuộc dự án nâng cấp hệ thống chiếu sáng phục vụ khách du lịch của huyện Nam Đàn.
Các nhà thầu đang thi công dự án sửa chữa nền, mặt đường và rãnh thoát nước trên Quốc lộ 46 đoạn qua huyện Nam Đàn |
Để làm rõ công tác quản lý đầu tư xây dựng và trách nhiệm phối hợp, thỏa thuận thi công của chủ đầu tư và nhà thầu thi công thuộc 2 dự án, phóng viên đã có cuộc làm việc với các bên liên quan. Trước đó, khi phản ánh về thực trạng hạ tầng thuộc dự án do huyện Nam Đàn làm chủ đầu tư nhưng vì nhà thầu công trình sau trùng với mương nước nên “phá” đào bới các cột móng đèn chiếu sáng lên tập kết bên lề đường, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Nam Đàn, đại diện chủ đầu tư khẳng định rằng, đã biết sự việc nhưng chưa được sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên trong quá trình phối hợp thi công cũng như khắc phục. Phía chủ đầu tư huyện Nam Đàn sẽ chỉ đạo nhà thầu của dự án mình thi công lại khi công trình sau hoàn thành và nguồn vốn dự án đảm bảo.
Cùng ngày, phóng viên làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu thi công công trình mương nước trên QL46, ông Đào Văn Minh, Phó Cục trưởng và ông Lê Văn Hiếu, Phòng Quản lý hạ tầng và bảo trì đường bộ thuộc Cục Quản lý đường bộ II (Tổng cục Đường bộ Việt Nam). Trả lời trước phản ánh của phóng viên về “sự việc” mới diễn ra, ông Hiếu cho biết: Cục Quản lý đường bộ II đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao làm chủ đầu tư dự án “Sửa chữa nền, mặt đường đoạn Km24+00 - Km31+00 QL46 tỉnh Nghệ An”. Trong gói thầu có hạng mục thi công có rãnh thoát nước đi qua các xã trên địa bàn huyện Nam Đàn, do 3 nhà thầu trúng thầu thi công là Công ty CP 484, Công ty TNHH Thịnh Hưng và Công ty Cổ phần quản lý xây dưng công trình giao thông 236. Theo thiết kế phê duyệt, rãnh dọc nằm trong phạm vi đất của đường bộ (từ mép đường đến rãnh khoảng 2 - 2,8 m). Tuy nhiên, quá trình rà soát, thống kê trên tuyến từ Km24 đến Km31 có một số hạ tầng thiết yếu như cáp quang, cột điện, cột viễn thông… do các đơn vị quản lý và cây xanh, tài sản trên đất như tường, mái che, cổng bê tông của nhân dân sinh sống dọc đường thuộc phạm vi xây dựng của dự án làm ảnh hưởng quá trình thi công của công trình.
Để đảm bảo an toàn các hạ tầng thiết yếu trong quá trình thi công, ngày 6/11/2017, Cục Quản lý đường bộ II đã có văn bản gửi UBND huyện Nam Đàn, Điện lực Nghệ An, Điện lực Nam Đàn, các doanh nghiệp viễn thông, công ty cấp nước… đề nghị cử cán bộ phụ trách xuống hiện trường phối hợp với đơn vị thi công để di dời các hạ tầng thiết yếu trên ra khỏi phạm vi thi công trước ngày 15/11; đồng thời, UBND huyện Nam Đàn tổ chức tuyên truyền, đối thoại với nhân dân về chủ trương và chỉ đạo các phòng, ban liên quan đẩy nhanh việc kiểm đếm, tổ chức di dời các hạ tầng thiết yếu trong phạm vi xây dựng để bàn giao cho nhà thầu thi công.
Trước những căn cứ này, phía chủ đầu tư dự án sửa chữa, nâng cấp QL46 cho rằng, họ đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ. “Trước khi dự án của huyện Nam Đàn thi công, chúng tôi cũng đã cấp giấy phép thi công, chấp thuận xây dựng; đồng thời có thỏa thuận thi công rõ ràng, giao trách nhiệm cho các bên liên quan. Trong đó yêu cầu, các đoạn đã có rãnh dọc thì vị trí mép trong móng cột điện chiếu sáng phải nằm cách mép rãnh thoát nước dọc QL46 tối thiểu 0,5 m; các nơi chưa có rãnh dọc thì vị trí mép trong móng cột điện chiếu sáng phải nằm cách mép mặt đường nhựa của Ql46 tối thiểu 2 m. Trên cơ sở Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ GTVT và các văn bản hướng dẫn liên quan quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì trách nhiệm này thuộc về UBND huyện Nam Đàn, chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án hệ thống chiếu sáng của huyện Nam Đàn”, ông Đào Văn Minh, Phó Cục trưởng khẳng định.
Xuân Thống