Kinh tế xã hội
Nâng cao chất lượng kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm
(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, thị trường thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng về chủng loại, hoạt chất, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước thực tế không ít sản phẩm giả hoặc kém chất lượng đang lưu hành rộng rãi, yêu cầu cấp thiết là phải nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm nghiệm các sản phẩm trên.
Cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và tăng cường hợp tác, liên kết, học hỏi kinh nghiệm trong hoạt động khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm - Ảnh: Minh Cường |
Thời gian qua, thực trạng thuốc kém chất lượng, mỹ phẩm giả, thực phẩm chưa được kiểm soát trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội, với nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận. Đơn cử như vụ việc xảy ra hồi tháng 5/2017. Tại khối 7, phường Trung Đô, TP Vinh, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an TP Vinh bắt quả tang 1 cơ sở đang tự pha chế, sản xuất các loại mỹ phẩm khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép; thu giữ số lượng lớn bột mặt nạ tái sinh, bột tắm trắng, vỏ bao và nhãn mác bột mặt nạ...
Viện dẫn vụ việc trên để thấy rằng, công tác kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan. Với chức năng kiểm tra, giám sát và quản lý chất lượng các loại thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Nghệ An đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra các sản phẩm trên. Qua đó, kịp thời phát hiện các loại sản phẩm giả, kém chất lượng lưu hành trên địa bàn, góp phần đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Giai đoạn 2012 - 2016, Trung tâm thực hiện hơn 90 loại kỹ thuật, trong đó có 27 kỹ thuật cao. Mỗi năm, có hơn 1.300 mẫu được phân tích, trong đó có 800 mẫu tân dược, hơn 400 mẫu đông dược, 80 mẫu nước uống đóng chai và nước sinh hoạt, 50 mẫu mỹ phẩm. Tuy nhiên, hiện Trung tâm chỉ mới kiểm tra được khoảng 500 trong số hơn 1.000 hoạt chất lưu hành trên thị trường. Kỹ thuật kiểm nghiệm chỉ thực hiện được 90/175 kỹ thuật yêu cầu.
Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Cơ sở hạ tầng xuống cấp, trang thiết bị thiếu đồng bộ, chất lượng cán bộ chưa đồng đều, trong khi các sản phẩm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm lưu hành trên địa bàn với số lượng lớn, chủng loại đa dạng, khó kiểm soát. Cùng với đó, công tác kiểm nghiệm gặp nhiều khó khăn khi phân tích các dạng bào chế thuốc mới và các kỹ thuật kiểm tra độ an toàn như phát hiện các chất cấm trong sản xuất mỹ phẩm. Bởi vậy, một số mẫu phải gửi ra Trung ương hoặc các tỉnh bạn để kiểm nghiệm.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp thiết là cần có kế hoạch phát triển Trung tâm để nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Ngày 21/11 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5635 về việc phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh giai đoạn 2017 - 2025”, với mục tiêu đầu tư, xây dựng Trung tâm đảm bảo đủ năng lực, hướng tới phát triển thành Trung tâm kỹ thuật khu vực Bắc Trung Bộ. Cụ thể: Đến năm 2025, Trung tâm được xây dựng tại địa điểm mới, đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn y tế; thực hiện trên 80% kỹ thuật yêu cầu, trong đó có 60% kỹ thuật cao..., với tổng kinh phí dự toán đầu tư xây dựng khoảng 93 tỉ đồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ cần sớm triển khai như: Củng cố, hoàn thiện tổ chức, bộ máy của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” theo quy định của Bộ Y tế và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Cùng với đó, chú trọng bổ sung, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kỹ thuật chuyên môn, đặc biệt là các lĩnh vực kiểm nghiệm vi sinh, thuốc từ dược liệu…; trang bị cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị đáp ứng những quy định theo tiêu chuẩn.
Một giải pháp không kém phần quan trọng là ngoài việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào phát triển kỹ thuật về kiểm tra, đánh giá chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, cần tăng cường hợp tác, liên kết, học hỏi kinh nghiệm trong hoạt động KH&CN với các đơn vị tỉnh bạn cũng như các viện nghiên cứu của Trung ương.
Dự báo những năm tiếp theo, tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp và khó lường. Cùng với đó, sự phát triển nhanh của ngành KH&CN sẽ xuất hiện nhiều loại thuốc với các dạng bào chế khác nhau; tình trạng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm giả, kém chất lượng cũng ngày càng khó kiểm soát... Bởi vậy, việc đầu tư, nâng cao chất lượng công tác kiểm nghiệm các sản phẩm trên cần sớm thực hiện một cách đồng bộ nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, phục vụ tốt sự phát triển KT-XH bền vững.
Thùy Dương