Kinh tế xã hội
TP Vinh: Đường 300m, làm 7 năm không xong
(Congannghean.vn)-Dự án đường vào khu du lịch được phê duyệt cách đây 7 năm, là một trong những hạng mục thuộc diện thu hút đầu tư của tỉnh để phát triển du lịch ven sông Lam, thế nhưng, hơn 7 năm qua, tuyến đường này đã trở thành rãnh mương chứa nước vì “vướng” kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).
Hiện trạng con đường chỉ 300 m sau hơn 7 năm thi công giữa lòng TP Vinh |
Với mục đích khai thác tiềm năng du lịch ven sông Lam, cách đây khoảng 10 năm về trước, ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV đóng tàu Hải Châu (Công ty Hải Châu) đã đề xuất tâm nguyện mở khu du lịch sinh thái kết hợp du thuyền trên sông Lam. Ý tưởng này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An lúc bây giờ. Năm 2010, Dự án Khu nhà hàng, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà ở công nhân viên do Công ty Hải Châu làm chủ đầu tư đã được phê duyệt. Cùng thời gian này, Dự án khu biệt thự cao cấp, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí của Công ty CP Sài Gòn - Trung Đô Vinh cũng được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngay bên cạnh.
Trước nhu cầu đề nghị mở 1 tuyến đường dân sinh dọc theo sông Lam đến cầu Bến Thủy đi qua 2 dự án của 2 công ty này, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý chủ trương đầu tư con đường trên với chiều rộng 12 m. Tháng 3/2011, Sở KH&ĐT Nghệ An có văn bản thống nhất chủ trương đầu tư và giao cho UBND TP Vinh làm chủ đầu tư, tổ chức triển khai GPMB và xây dựng tuyến đường từ tiền sử dụng đất 2 khu đất của 2 doanh nghiệp.
Ngày 9/4/2011, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 1764, do Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đức Phớc ký, quyết định thống nhất đề nghị của Sở KH&ĐT về đầu tư tuyến đường trên, giao UBND TP Vinh làm chủ đầu tư, tổ thức triển khai GPMB và xây dựng tuyến đường theo đúng quy định. Kinh phí xây dựng lấy từ nguồn thu tiền sử dụng đất 2 khu đất của 2 công ty; đồng thời, giao cho 2 công ty trên nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ đối với 2 dự án để công trình sớm được triển khai xây dựng.
Tiếp đó, nhiều văn bản, tờ trình, công văn được trình lên và gửi đến các bên. Ngày 14/11/2014, Chủ tịch UBND tỉnh có Văn bản số 8597, giao cho TP Vinh làm chủ đầu tư triển khai dự án, tiến hành GPMB, xây dựng theo đúng chỉ đạo trước đó; đồng ý hỗ trợ thành phố kinh phí bồi thường, GPMB của dự án và nguồn kinh phí được xử lý trong năm 2015. UBND TP Vinh sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất theo phân cấp được hưởng tại 2 khu đất của 2 công ty để bố trí thanh toán vốn xây dựng cơ bản tuyến đường. Dự án được thực hiện với tổng mức đầu tư là 13,9 tỉ đồng, trong đó kinh phí xây lắp là 6,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, quá trình thi công gặp khó khăn về nguồn vốn để GPMB nên dự án chỉ thực hiện được 30% khối lượng thì công trình phải dừng lại.
Đến ngày 23/12/2016, phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, GPMB và tái định cư thực hiện dự án mới được phê duyệt, với số tiền đền bù hơn 4,3 tỉ đồng. UBND TP Vinh có Công văn số 7606, ngày 20/12/2016, nêu: Nguồn vốn ngân sách thành phố đang tập trung cao cho việc huy động vốn đối ứng thực hiện Dự án Phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án TP Vinh nên nguồn ngân sách đầu tư các dự án khác là hạn chế. Thành phố đề nghị UBND tỉnh Nghệ An bố trí kinh phí bồi thường, GPMB của dự án từ nguồn ngân sách tỉnh để thành phố có cơ sở thực hiện xây dựng công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Đức Hào, Phó ban Quản lý dự án TP Vinh cho biết, dự án đến nay vẫn chưa được thực hiện do vướng mắc trong GPMB theo nội dung cam kết tỉnh hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa có vốn. Theo phương án thì có 9 hộ dân bị ảnh hưởng buộc phải di dời, 6 hộ phải tái định cư. Thành phố đã họp dân nhiều lần đối thoại nhưng người dân mong muốn được đền bù cao hơn; nhà thầu cũng đã tổ chức làm mương, lu nền, đổ đất nhưng phải dừng lại do vướng mặt bằng. “Doanh nghiệp cũng kêu vì dự án chậm, người dân bị ảnh hưởng cũng kêu vì không biết bao giờ đền bù để tái định cư ổn định cuộc sống nhưng vẫn chưa có vốn nên cũng đành chờ”, ông Hào cho biết.
Thiên Thảo