(Congannghean.vn)-Có thể nói, chưa bao giờ yêu cầu giảm biên chế bộ máy lại cấp bách và bức thiết như hiện nay. Tại Nghệ An, thời gian qua, công tác kiện toàn tổ chức và chủ trương nhất thể hóa, kiêm nhiệm một số chức danh với mục tiêu tinh giản bộ máy gắn liền với việc nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực; đồng thời cũng đặt ra những vấn đề đáng quan tâm.
Những năm qua, mô hình phó bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận đã góp phần quan trọng đẩy mạnh các chương trình phát triển KT-XH ở cơ sở (Trong ảnh: Nhiều trưởng ban công tác mặt trận kiêm nhiệm được lãnh đạo tỉnh biểu dương, khen thưởng) |
Những chức danh “2 trong 1”
Đến đầu năm 2018, toàn tỉnh có gần 72.500 cán bộ, công chức, viên chức; 11.950 cán bộ chuyên trách và không chuyên trách cấp xã và trên 51.500 cán bộ không chuyên trách ở cấp khối, xóm, bản. Bộ máy hệ thống chính trị lớn, với số lượng chức danh nhiều, song hiệu lực, hiệu quả quản lý ở một số địa phương vẫn chưa thật sự hiệu quả. Nhằm hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, trên cơ sở thực tế của địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang từng bước xây dựng kế hoạch đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Theo đó, liên quan đến chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, xã, phải đáp ứng 2 điều kiện cần và đủ. Đầu tiên và quan trọng nhất là yếu tố con người. Bí thư kiêm chủ tịch UBND, tức là hợp nhất giữa Đảng với hành pháp thì khối lượng công việc lớn, đòi hỏi cán bộ phải có đủ “tầm”. Thứ hai, địa phương đó cần có sự đồng thuận và nhất trí cao trong cấp uỷ, chính quyền và đội ngũ cán bộ. Sau khi đã hoàn thành việc nhất thể hóa, phải tăng cường kiểm tra giám sát chặt chẽ ở cấp trên cũng như trong nội bộ và đẩy mạnh dân chủ hoá. Chủ trương nhất thể hóa chức danh và các phòng, ban để đạt hiệu quả bền vững và đảm bảo sự ổn định xã hội cũng đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu và lộ trình cụ thể, tránh tình trạng chủ quan, duy ý chí.
Đơn cử như tại TP Vinh, quá trình thực hiện được BTV Thành ủy bắt đầu từ việc chỉ đạo các phòng ban liên quan rà soát lại diện tích, dân số của các phường, xã, trên cơ sở đó đề xuất việc sáp nhập hợp lý. Theo chủ trương của tỉnh, trước mắt thành phố sẽ sáp nhập một số đơn vị như Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông với Trạm bảo vệ thực vật; Trung tâm Y tế với dân số… Đi liền với đó là việc nhất thể hoá một số chức danh liên quan.
Rà soát, nâng cao năng lực cán bộ
Huyện Đô Lương là địa phương thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng ngay từ năm 2000. Đến đầu năm nay, toàn huyện có gần 80% khối xóm có bí thư kiêm xóm trưởng, gần 40% khối xóm có phó bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận. Không chỉ giảm bớt sự cồng kềnh của bộ máy cơ sở, việc nhất thể hóa các chức danh trên còn nâng cao mức phụ cấp cho cán bộ khối xóm.
Nhiệm kỳ 2017 - 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục định hướng cơ cấu tổ chức bộ máy chi bộ, xóm khối theo hướng ở những chi bộ có nguồn cán bộ, đảng viên có phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín thì tiếp tục cơ cấu chức danh bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng, khối trưởng. Đối với những địa phương mà đảng viên không có điều kiện và năng lực để cơ cấu chức danh trên thì cơ cấu phó bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng. Còn ở những chi bộ mà đảng viên không đủ năng lực, uy tín để cơ cấu làm xóm trưởng, khối trưởng thì mới cơ cấu quần chúng nhưng chỉ cơ cấu ở những xóm thực sự cá biệt và những quần chúng dự kiến cơ cấu làm xóm trưởng, khối trưởng phải thực sự có chí hướng và động cơ phấn đấu vào Đảng.
Trước mắt, trong năm 2018, huyện sẽ thực hiện việc bố trí trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị, trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch UBMTTQ huyện để giám bớt các chi hội phó và cán bộ bán chuyên trách ở xã, xóm. Cũng như Đô Lương, sau nhiều năm thực hiện mô hình bí thư kiêm xóm trưởng, đến nay, huyện Thanh Chương đã có 107/506 xóm thực hiện, mang lại hiệu quả cao trong chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở cơ sở.
Tại nhiều địa phương khác, song song với việc sắp xếp đề án vị trí việc làm phục vụ nhiệm vụ tinh giản biên chế, công tác đánh giá cán bộ, đảng viên đảm bảo thực chất được triển khai một cách hiệu quả, thông qua việc lấy ý kiến từ nhiều kênh thông tin. Trên cơ sở đó, việc xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm cũng được thực hiện quyết liệt.
Có thể nói, chủ trương nhất thể hóa, kiêm nhiệm các chức danh chính là nền tảng để cải cách mạnh mẽ hơn nữa bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là nhiệm vụ cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng nhằm phục vụ đắc lực sự lớn mạnh về KT-XH của tỉnh nhà.