Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị 38/CT-TTg về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực.
Ảnh minh họa |
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tích cực chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện “Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Đôn đốc các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW.
Rà soát định kỳ, đảm bảo thực thi nghiêm túc các FTA; đánh giá kịp thời các vấn đề phát sinh và kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết FTA và việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khai thác hiệu quả các FTA.
Tạo thuận lợi cho kinh doanh và XNK hàng hóa
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ dành nguồn lực và ưu tiên thỏa đáng cho việc thực thi các FTA, đồng thời hỗ trợ các bên liên quan khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực trong các lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách.
Đồng thời đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tạo cơ chế một cửa nhằm cải cách công tác cấp các loại giấy phép liên quan cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cấp giấy phép, giảm chi phí xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Bên cạnh đó thường xuyên, kịp thời rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, xóa bỏ các quy định không phù hợp với các cam kết FTA nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam là thành viên.
Chủ động đề xuất với Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong trường hợp FTA bị vi phạm; tăng cường chế tài và áp dụng xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm. Chú trọng hơn đến việc kiểm tra giám sát quá trình thực hiện chính sách.
Phối hợp với Bộ Công Thương trong việc hướng dẫn, giải thích cách hiểu và áp dụng thống nhất quy định của FTA trong lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong trường hợp có sự khác nhau về cách hiểu và áp dụng các quy định đó.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động đẩy mạnh việc phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức cho các đơn vị, cán bộ chuyên ngành, các địa phương và doanh nghiệp về những cam kết quốc tế có liên quan để bảo đảm việc thực thi được đầy đủ, kịp thời. Cần có chủ trương, cơ chế nhằm khuyến khích đội ngũ tri thức, chuyên gia tham gia vào quá trình nghiên cứu, phân tích và đánh giá tác động của hội nhập quốc tế đối với Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Chủ động tiến hành đánh giá mức độ cạnh tranh của các ngành để trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh cho những ngành có lợi thế cạnh tranh và định hướng điều chỉnh sản xuất cho các các ngành, doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh để tận dụng tối đa những lợi ích từ các FTA. Định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu, báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành trong nước
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành, viện, các cơ quan nghiên cứu, Hiệp hội liên quan và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu, đánh giá khả năng vận dụng ưu đãi của các FTA theo các nhóm ngành hàng cụ thể, từ đó xây dựng các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị khu vực.
Đồng thời chủ động nghiên cứu, vận dụng các biện pháp phi thuế như các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại được phép áp dụng trong WTO và các FTA để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài.
Tăng cường, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại; thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, sản phẩm; tìm kiếm và mở rộng các kênh bán hàng, phân phối v.v.; trong đó, chú trọng các nước đối tác trong các FTA hiện hành và có tiềm năng đem lại tác động tích cực cho thương mại Việt Nam.
Bộ Ngoại giao chủ trì, theo dõi sát sao các diễn biến chính trị - an ninh - kinh tế trong khu vực và trên thế giới, tình hình quan hệ đối ngoại của Việt Nam nhằm dự báo và đề xuất giải pháp đối với các vấn đề có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa nước ta với các nước đối tác FTA; chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao kịp thời cung cấp các thông tin về chính sách của các nước đối tác FTA và hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thường xuyên rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh để phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư mà Việt Nam là thành viên.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu thông tin khoa học công nghệ quốc tế để phục vụ phổ cập, ứng dụng trong nước cho sản xuất hàng xuất khẩu chất lượng tốt; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, vận dụng các biện pháp bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong nước, phù hợp với trình độ và định hướng phát triển công nghệ của ta trong thời gian tới, đồng thời đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA đã ký kết nói riêng, đặc biệt là cơ hội và thách thức từ các FTA, cách thức tận dụng các cam kết FTA trong hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài, phù hợp với đặc thù và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thủ tướng Chính phủ giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh của các doanh nghiệp thành viên; chủ động đề xuất các yêu cầu, vướng mắc cần sự hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ; chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên tìm kiếm đối tác tiềm năng, mở rộng mạng lưới kinh doanh; trao đổi thông tin, kinh nghiệm khai thác các FTA giữa các Phòng Thương mại, Công nghiệp.
.