(Congannghean.vn)-Hơn 3,5 ha đất nông nghiệp của nhiều hộ dân 2 xóm 8 và 9 xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An bị bồi lấp bởi đất đá từ dự án đường du lịch sinh thái núi Đại Huệ trôi xuống; đồng nghĩa với việc đồng ruộng nơi đây phải bỏ hoang gây bức xúc cho nhiều hộ dân.
Đồng ruộng bỏ hoang do bị bồi lấp |
Sau những đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 10/2016, những bãi đất thải khổng lồ trên tuyến đường du lịch núi Đại Huệ đã theo khe suối chảy xuống vùi lấp hơn 3,5 ha đất nông nghiệp của hơn 40 hộ dân ở 2 xóm 8 và 9, xã Nam Anh. Theo đó, đồng ruộng không canh tác được, phải bỏ hoang, gây thiệt hại nặng nề cho địa phương. Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại, việc khắc phục tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến nhiều người dân hết sức bức xúc.
Ông Bùi Đình Khoa, xóm 9, xã Nam Anh cho biết: “Diện tích bị bồi lấp của gia đình gần 2.000 m2. Trước kia 4 sào ruộng của gia đình tại cánh đồng Con Sen cho thu nhập hơn 1,2 tấn lúa. Đến nay, sau khi gia đình tôi bỏ 4 triệu đồng để nạo vét đất đá bị bồi lấp và tiếp tục canh tác trên diện tích đó chỉ thu về được 3 tạ lúa. Sau nhiều cuộc họp, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, tuy nhiên sự việc vẫn chưa giải quyết triệt để”.
Được biết, cánh đồng Con Sen là một trong những vựa lúa lớn của xã Nam Anh, bởi đất đai trước đây rất màu mỡ. Hàng năm, lúa đạt năng suất cao nhất nhì vùng, thế nhưng bây giờ diện tích này buộc phải bỏ hoang cho cỏ dại mọc. Có thời điểm lượng đất bị bồi đắp xuống ruộng lên tới 80 cm so với ban đầu. Lượng đất trôi xuống đặc sánh khiến cây lúa không thể phát triển được. Để cải tạo lại đồng ruộng như ban đầu thì chi phí người dân phải bỏ ra là lớn so với mức thu nhập từ trồng lúa mang lại, chính vì thế người dân nơi đây phải bỏ ruộng hoang.
Theo thống kê của UBND xã Nam Anh, có khoảng hơn 35.000 m2 đất của người dân ở 2 xóm 8 và 9 bị bồi lấp. Trong đó diện tích không cải tạo được là 14.195 m2, 20.936 m2 đã được cải tạo.
Được biết, sau khi sự việc xảy ra, hàng chục hộ dân đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương. Ngày 19/10/2016, đại diện UBND huyện Nam Đàn, chính quyền xã Nam Anh, đại diện nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát đã có buổi làm việc và thống nhất phương án xử lý. Theo đó, đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thi công, UBND xã Nam Anh, Ban QLDA công trình giao thông Nghệ An cần làm rõ trách nhiệm và hỗ trợ một phần thiệt hại cho người dân. Thời gian thực hiện trước ngày 10/11/2016. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa xử lý triệt để.
Tiếp đó, ngày 7/11/2016, Sở GTVT Nghệ An có Công văn số 3514 gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc xử lý thiệt hại do mưa bão số 4 gây ra tại Dự án đường du lịch sinh thái núi Đại Huệ. Trong công văn có nêu nguyên nhân chính làm đất đá trôi vào đất vườn, đồng ruộng của nhiều hộ dân là do: Công trình đang thi công, chưa dọn dẹp hết phần đất thải ở bên mái ta luy âm nên khi gặp mưa đã làm trôi đất đá vào vườn một số hộ dân.
Mới đây nhất, vào ngày 17/8/2017, Ban QLDA công trình giao thông Nghệ An chủ trì, làm việc với các hộ dân xã Nam Anh. Trong đó có việc xử lý thiệt hại do ảnh hưởng của Dự án và bão số 4 gây ra và đề nghị Ban QLDA chỉ đạo nhà thầu hỗ trợ bồi thường thiệt hại đất ruộng đồng Con Sen (khoảng 1,4 ha) bị bồi lấp do mưa lũ năm 2016 gây ra xong trước ngày 15/9/2017. Thế nhưng, thời gian thực hiện đã quá 10 ngày nhưng cánh đồng vẫn ngập sâu, dân vẫn chưa được đền bù.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Viết Sỹ, Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết: “Sau khi xây dựng tuyến đường du lịch núi Đại Huệ, một khối lượng đất lớn đã trôi xuống đồng ruộng của người dân 2 xóm 8 và 9, xã Nam Anh khiến người dân phải bỏ ruộng hoang. Chúng tôi cũng đã nhiều lần viết đơn kiến nghị lên Sở GTVT Nghệ An, Công ty TNHH Hòa Hiệp, Thanh tra Sở GTVT Nghệ An... nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Để nạo vét đất, địa phương phải cần số tiền lớn, ban đầu Công ty TNHH Hòa Hiệp cũng đã hỗ trợ 20 triệu đồng, tuy nhiên việc hỗ trợ này cũng như “muối đổ biển”.
Hơn 1 năm nay, 40 hộ dân 2 xóm 8 và 9, xã Nam Anh đang phải loay hoay để tìm cách cứu lấy ruộng đồng bị bồi lấp, tuy nhiên, kinh phí bỏ ra là quá lớn đối với người dân. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa ra những biện pháp để giải quyết triệt để, tránh gây lãng phí, bức xúc kéo dài trong nhân dân.