Kinh tế xã hội
Tạo xung lực để công nghiệp phát triển
(Congannghean.vn)-Trong cơ cấu nền kinh tế Nghệ An, sản xuất công nghiệp giữ vai trò trụ cột, then chốt, đóng góp vai trò quan trọng. Xác định rõ điều đó, trong nhiều năm qua, các cấp chính quyền địa phương đã tập trung nguồn lực, mở rộng thu hút đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng để tạo xung lực mới cho ngành kinh tế mũi nhọn này.
Hoạt động đào tạo và thi tay nghề truyền thống được tiến hành thường xuyên tại nhiều địa phương |
Theo đánh giá chung của các đơn vị chức năng, trong thời gian qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều khởi sắc. Một số nhà máy chế biến được đầu tư đi vào sản xuất ổn định như Nhà máy tôn Hoa Sen Đông Hồi, Nhà máy xi măng Đô Lương, Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai. Tập đoàn Tôn Hoa Sen cũng đã xuất khẩu lô tôn thành phẩm đến các nước châu Âu. Tuy vậy, bên cạnh một số ngành công nghiệp có chuyển biến tích cực như công nghiệp khai khoáng, công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải thì một số sản phẩm chủ lực vẫn giữ mức tăng trưởng thấp. Việc xây dựng cơ chế rộng mở hơn, triển khai các đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh cải cách hành chính đang được Nghệ An tích cực thực hiện tại nhiều địa phương.
Theo Quyết định số 13698/QĐ-BCT ngày 14/12/2015, tỉnh Nghệ An được hỗ trợ 3 đề án, tổng kinh phí hỗ trợ 1 tỉ đồng, gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất viên củi nén tại Công ty CP công dụng hóa (Nghi Lộc); Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tinh bột sắn tại Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn (Anh Sơn) và xây dựng mô hình sản xuất hạt phụ gia nhựa tại Công ty Cổ phần phụ gia nhựa MEGA (Nghĩa Đàn). Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công 1 (Cục Công thương địa phương) trực tiếp triển khai hỗ trợ thực hiện đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất cửa gỗ Huge, công suất 10.000 m2/năm" tại Công ty cổ phần Audoor Nghệ An, kinh phí hỗ trợ 195 triệu đồng.
Để đẩy mạnh khuyến khích sản xuất công nghiệp, năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt và quyết định hỗ trợ 75 đề án với tổng kinh phí 4 tỉ đồng. Nội dung hỗ trợ gồm: Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn; tham gia hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng máy móc tiên tiến; mua sắm thiết bị, công dụng cụ sản xuất cho làng nghề, làng có nghề; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, tỉnh; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công... Theo đánh giá, các đề án được hỗ trợ đã phát huy hiệu quả dự án đầu tư, mở rộng dự án đầu tư, nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm thu hút được nhiều lao động tham gia....
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, một số đề án của phía Trung ương cũng hứa hẹn tạo điểm nhấn trong bức tranh sản xuất tại nhiều địa phương có tính đặc thù như xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tăm hương, đũa tre, xiên nước tiêu thụ nội địa và xuất khẩu từ nguyên liệu lùng; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất nguyên liệu hạt nhựa và các sản phẩm từ nhựa phế thải, công suất 10.000 tấn/năm...
Cùng với phía Trung ương, lãnh đạo tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp tỉnh nhà, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xác định những khó khăn trong tiếp cận vốn, duy trì hoạt động tại các làng nghề, mua sắm máy móc thiết bị, thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đồng hành cùng các địa phương, tỉnh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn; hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề; đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng máy móc tiên tiến; mua sắm thiết bị, dụng cụ sản xuất cho làng nghề, làng có nghề...
Để hỗ trợ doanh nghiệp, các địa phương cũng đã khai thác tối đa nguồn kinh phí khuyến công để tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm mới có thể cạnh tranh với thị trường. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã được thụ hưởng kinh phí hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khuyến công của Trung ương, của tỉnh với mức vay thuận lợi; tổ chức được hàng chục lớp dạy nghề miễn phí cho hàng nghìn lao động nhằm cung ứng nguồn lao động tại chỗ, có tay nghề cho các doanh nghiệp. Nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất CN-TTCN trên địa bàn đã được phục hồi và phát triển ổn định.
Ngoài ra, Nghệ An cũng tập trung đẩy mạnh nghiên cứu vận dụng để khuyến khích đầu tư riêng của địa phương trong khuôn khổ cho phép ở tất cả các ngành kinh tế như: Chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề tại khu vực nông thôn... Trong đó thể hiện rõ nhất chính là sự mạnh dạn đổi mới cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào tính minh bạch của chính quyền, củng cố niềm tin của doanh nghiệp đối với các thiết chế pháp lý, nâng cao hiệu quả các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp…
Theo đánh giá Chương trình khuyến công Quốc gia, các hoạt động khuyến công địa phương đã gắn với kế hoạch, nhiệm vụ của ngành, của địa phương; tổ chức kiểm tra giám sát, đánh giá, nghiệm thu, quyết toán chặt chẽ theo đúng quy định. Đến nay, các đề án đã tổ chức triển khai theo kế hoạch được phê duyệt. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp đã có những chuyển biến tích cực trên các tiêu chí: Công nghiệp trọng điểm, hoạt động các làng nghề và thu hút đầu tư. Riêng ở các làng nghề, quá trình hiện đại hóa được đẩy mạnh, quy trình sản xuất thay thế lao động thủ công ở các khâu cắt nguyên liệu, gò và đánh bóng sản phẩm… để tạo nên sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, hạn chế ô nhiễm môi trường và hạ giá thành sản phẩm.
Phát triển công nghiệp đã và đang khởi sắc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Song hành với phát triển công nghiệp công nghệ cao, ngành công nghiệp chủ lực, cần những cơ chế, bước đi vững chắc cho ngành công nghiệp truyền thống, duy trì sự ổn định cho làng nghề, ngành tiểu thủ công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ. Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh các cơ chế khuyến công là hết sức cần thiết, nhất là trong thời điểm Chính phủ đang tạo mọi điều kiện để các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp thành công.
Tuệ Trang