Kinh tế xã hội
Điêu đứng vì hàng nhái, hàng giả
Tự chống hàng nhái, hàng giả
09:02, 21/09/2017 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Hàng giả, hàng nhái ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, phá vỡ thị trường, triệt “đường sống” của nhiều doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính. Theo Cục QLTT, năm 2016 cả nước phát hiện, xử lý khoảng 30.000 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) với tổng số tiền xử phạt trên 93 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 1.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị giao ban công tác phối hợp 19 chi cục QLTT khu vực phía Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2017, 19 Chi cục QLTT đã kiểm tra, phát hiện 11.421 vụ vi phạm; đã xử lý 10.326 vụ với tổng số tiền xử phạt và bán hàng tịch thu trên 119 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH thời trang Nón Sơn (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Hiện nay, sản phẩm giả Nón Sơn đang bán rất nhiều trên thị trường. Do giá sản phẩm giả gần bằng giá sản phẩm chính hãng nên NTD rất khó phân biệt, dẫn đến bị lừa.
Chỉ sau một thời gian sử dụng, thấy chất lượng sản phẩm xuống cấp, NTD khiếu nại thì Công ty mới biết là họ mua nhầm hàng giả. Để ngăn chặn tình trạng này, ngay trong tháng đầu năm, Công ty đã kiên quyết ra quân đồng loạt tại nhiều địa phương để triệt phá hàng giả”.
Ngày 5-1, Công ty phối hợp với Chi cục QLTT tỉnh An Giang đồng loạt kiểm tra các cửa hàng bán mũ bảo hiểm (MBH) và các điểm bán trên vỉa hè, thu giữ 200 MBH giả mạo.
Xưởng sản xuất của Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi. |
Từ ngày 7 đến 9-1, Chi cục QLTT Đắk Lắk cùng Công ty Nón Sơn và các luật sư SHTT kiểm tra đột xuất các điểm kinh doanh MBH tại thị xã Buôn Hồ, cũng phát hiện, thu giữ nhiều MBH giả. Riêng tại kho hàng và cửa hàng của hộ kinh doanh Trọng Liễu (thị xã Buôn Hồ), lực lượng kiểm tra thu giữ hơn 500 cái.
Đại diện hộ kinh doanh Trọng Liễu khai nhận, số hàng này giả mua trôi nổi tại TP Hồ Chí Minh để về để trộn chung với hàng chính hãng bán. Điều đáng nói, không chỉ lần này, mà trước đó hộ kinh doanh Trọng Liễu đã nhiều lần vi phạm, từng bị Chi cục QLTT Đắk Lắk bắt quả tang bán Nón Sơn giả tại hội chợ.
Tiếp tục kiểm tra kho hàng và cơ sở kinh doanh MBH của gia đình ông Trần Thanh (phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), cơ quan chức năng cũng thu giữ hơn 2.000 MBH mang nhãn hiệu Nón Sơn nhưng không có giấy tờ hợp lệ. Chủ cơ sở cũng thừa nhận, toàn bộ MBH trên mua trôi nổi trên thị trường. “Năm 2016, Công ty đã phối hợp với một số Chi cục QLTT tỉnh Kiên Giang, An Giang, Nha Trang, Đắk Lắk thu giữ và tiêu hủy gần hơn 2.000 sản phẩm vi phạm về kiểu dáng và giả nhãn hiệu. Trong năm 2017, Nón Sơn quyết tâm sẽ phối hợp tốt hơn nữa cùng các Chi cục QLTT trên cả nước nhằm dẹp bằng được vấn nạn hàng nhái, hàng giả thương hiệu, nhãn hiệu của công ty”, đại diện Công ty Nón Sơn khẳng định.
Với sản phẩm giả thương hiệu Duy Lợi, ngày 13-7, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên bị cáo Nguyễn Văn Sinh (SN 1983, ngụ huyện Bình Chánh) 8 tháng tù và Nguyễn Thị Huệ (SN 1989, vợ Sinh) 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả".
Trước đó, ngày 12-11-2015, tại khu vực chung cư Trần Văn Kiểu, quận 10, trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện Sinh và Nguyễn Văn Trúc (anh ruột Sinh) đang vận chuyển 55 bộ võng xếp hiệu Duy Lợi giả và 50 bộ võng xếp hiệu Duy Anh, không có hóa đơn chứng từ để đi tiêu thụ. Khám xét tại trụ sở Công ty TNHH SX TM Hoàng Minh Đức (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) do Nguyễn Thị Huệ làm Giám đốc, cơ quan Công an phát hiện thêm 56 bộ võng cùng các phụ kiện giả võng xếp Duy Lợi. Công ty Hoàng Minh Đức thành lập tháng 10-2014, buôn bán võng xếp hiệu Duy Anh. Đến tháng 8-2015, do hàng hóa tiêu thụ chậm nên hai vợ chồng Sinh, Huệ sản xuất võng xếp giả hiệu Duy Lợi của Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, một thương hiệu đang bán rất chạy trên thị trường để dễ tiêu thụ. Căn cứ bảng báo giá võng xếp Duy Lợi, cơ quan điều tra xác định, 111 bộ võng xếp giả Duy Lợi thành phẩm (tang vật vụ án) có giá trị tương đương hàng thật hơn 126 triệu đồng (trước thuế) và gần 140 triệu đồng (sau thuế).
Nói về việc phát hiện vợ chồng Sinh - Huệ làm hàng giả, đại diện Công ty Duy Lợi cho biết, trước đây, Sinh làm quản lý xưởng của Công ty Duy Lợi. Sau đó, nghỉ việc ra lập công ty riêng, bán võng xếp hiệu Duy Anh có màu và kiểu dáng giống tương tự Duy Lợi. Có lẽ hàng tiêu thụ chậm nên Sinh xin làm đại lý của Duy Lợi và được đồng ý. Khi Duy Lợi bán hàng đều xuất hóa đơn, lợi dụng việc này, Sinh sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa võng giả hiệu Duy Lợi bán cho khách hàng với giá thấp hơn hàng chính hãng. Khi khách hàng thắc mắc thì Sinh giải thích, do Sinh là đại lý cấp 1 của Duy Lợi nên lấy hàng số lượng nhiều, hưởng được chiết khấu cao nên bỏ lại cho khách hàng với giá rẻ. Với thủ đoạn này, mạng lưới thị trường ở Tây Nguyên của Duy Lợi đã bị Sinh “càn quét”. Thấy giá cả hỗn loạn, nhiều đại lý của Duy Lợi gọi điện đề nghị công ty giải thích, lúc này vụ việc mới bị phát hiện.
“Khi biết được sự thật, Duy Lợi đã nhiều lần yêu cầu Sinh ngưng ngay hành vi vi phạm, nếu không sẽ báo với cơ quan chức năng để làm rõ, xử lý, nhưng Sinh vẫn không nghe. Chính vì vậy, chúng tôi mới báo vụ việc đến cơ quan điều tra”, đại diện Công ty Duy Lợi cho biết.
Thực tế, việc DN có sản phẩm bị làm giả, làm nhái rất nhiều nhưng số DN tự nguyện, công khai chống hàng giả, hàng nhái không bao nhiêu. Bởi, phần lớn DN lo ngại, khi phát hiện sản phẩm mình bị làm giả, NTD sẽ chuyển sang sử dụng sản phẩm khác hoặc bị tẩy chay. Chính sự bao che, dung dưỡng này là một trong những nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái không những không giảm, mà còn đang “sống” rất tốt.
Nguồn: CAND