Kinh tế xã hội

Nền kinh tế chia sẻ nhìn từ chia sẻ xe

08:02, 19/09/2017 (GMT+7)
Thế kỷ 21 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của “kinh tế chia sẻ” (sharing economy). Nhiều start-up ăn theo thành công, nhiều tỷ phú mới xuất hiện, một số thương hiệu có giá trị cả chục tỷ USD. Trong xu hướng nở rộ này phải kể tới dịch vụ hết sức thân thuộc, cần thiết với mọi người: chia sẻ xe.
 
Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm thông tin quốc gia Trung Quốc, khoảng 600 triệu người dân nước này tham gia vào loại hình kinh tế chia sẻ trong năm 2016 với giá trị trao đổi 3.450 tỷ nhân dân tệ (510 tỷ USD).
 
Nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc bao trùm nhiều lĩnh vực, từ đi chung xe đạp, xe có động cơ, đến chia sẻ không gian sống và không gian làm việc và thậm chí là kiến thức, kỹ năng và lao động.
 
Trong lĩnh vực xe cộ, hãng chia sẻ xe đạp của Trung Quốc Mobike mới thông báo sẽ triển khai dịch vụ tại London, trong khi đối thủ Ofo của họ cũng có động thái tương tự tại Thái Lan, Malaysia và cho biết sẽ hiện diện tại thị trường Nhật Bản.
 
Hồi tháng 3, Ofo và Mobike mở rộng hoạt động sang Singapore, thị trường nước ngoài đầu tiên của hai doanh nghiệp này. Trong chưa đầy nửa năm, những chiếc xe đạp màu cam của Mobike đã xuất hiện ở Manchester và Salford của nước Anh, ở Fukuoka và Sapporo (Nhật Bản), Milan và Florence ở Italy và những nơi khác.
 
Trong khi đó, những chiếc xe đạp màu vàng của Ofo đang chinh phục các thị trường nước ngoài mới và có thể sẽ xuất hiện ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ vào cuối năm nay. 
 
Theo Phó Chủ tịch và là người phụ trách hoạt động mở rộng ra nước ngoài của Mobike, Chris Martin, điều đó cho thấy không chỉ Trung Quốc có nhu cầu chia sẻ xe đạp mà dịch vụ này có thể có trên toàn thế giới. Từ châu Âu tới châu Á, Mobike đã có những điều chỉnh cho phù hợp với thị trường, căn cứ vào các quy định cụ thể và thị hiếu của khách hàng. Chẳng hạn, những chiếc xe tại London đều được lắp đèn pha. 
 
Trong khi đó, 2 công ty tại Berlin, Đức vừa ra mắt ứng dụng chia sẻ xe máy điện tới người dân và du khách. Bất cứ ai có bằng lái xe và sở hữu ứng dụng trên điện thoại thông minh này đều có thể tìm thấy địa điểm đặt chiếc xe máy điện ở gần nhất. Người dùng có thể sử dụng ứng dụng để mở khóa xe và lấy mũ bảo hiểm ở trong cốp xe. Hiện ứng dụng chia sẻ xe máy điện đang được phổ biến tại 6 thành phố của Đức.
 
Nghiên cứu mới nhất công bố ngày 11/9 của Công ty Tư vấn quốc tế PwC (Anh) cũng chỉ ra rằng dù lượng xe có giảm từ 280 xuống còn 200 triệu xe thì đường phố châu Âu vẫn sẽ nhộn nhịp do dịch vụ chia sẻ xe trên thực tế có tần suất trưng dụng cao hơn so với các phương tiện cá nhân. Chuyên gia tư vấn của PwC cho rằng chỉ vài năm nữa thôi, tư duy lái xe riêng đi làm sẽ không còn phổ biến.
 
Trong tương lai, khi dịch vụ chia sẻ xe không chỉ xuất hiện trong nội thành mà lan rộng ra cả các khu vực ngoại thành hay nông thôn thì 1/3 tổng số quãng đường mà người châu Âu lưu thông sẽ là do dịch vụ này đảm nhận.
 
Một yếu tố mà PwC cho rằng sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ chia sẻ xe là sự gia tăng các loại xe chạy bằng điện hoặc những mẫu xe tự lái vốn được cho là sẽ có những khoảng trống không hành khách nhiều hơn những phương tiện hiện hành.
 
Ở Mỹ, theo công ty nghiên cứu Penn Schoen Berland, hơn 50% những người thuộc thế hệ Millennial (những người sinh ra từ khoảng những năm năm 1980 đến đầu thập niên 2000) được hỏi tỏ ra cởi mở với việc đi xe chung với người khác.
 
Khoảng 1/3 trong số họ sẵn lòng cho thuê xe của mình và thế hệ Millennial ngày nay quan tâm đến các thiết bị và công nghệ mới hơn là ý tưởng sở hữu một chiếc xe.
 
Đương nhiên họ vẫn có nhu cầu đi lại và vì thế họ chuyển sang các các hình thức di chuyển khác đang ngày một gia tăng, trong đó có hình thức chia sẻ xe.
 
Từ tình hình hiện nay, có thể thấy rằng thế hệ Millennial đang hình thành một lối sống mà ở đó việc chia sẻ xe được ưa chuộng hơn việc sở hữu một chiếc xe. Và điều đó có thể làm thay đổi ngành công nghiệp ô tô trong tương lai.
 
Gary Silberg, phụ trách mảng ô tô của KPMG (một trong 4 "ông lớn" của ngành kiểm toán thế giới), cho biết hiện ở Mỹ có 57% số hộ gia đình sở hữu 2 chiếc xe ô tô trở lên song đến năm 2040, dự đoán con số này sẽ giảm xuống còn 43% và sẽ còn tiếp tục lao dốc.
 
Ông Silberg cho rằng ở các khu vực đô thị, chi phí cho việc sở hữu một chiếc xe có xu hướng tăng lên, trong khi các phương án thay thế khác, từ xe đạp cho đến các phương tiện giao thông công cộng và các hình thức đi xe theo nhu cầu lại rẻ hơn và cũng tiện lợi hơn.
 
Và không chỉ riêng Mỹ đang chứng kiến xu hướng trên. Hiện nay các dịch vụ chia sẻ xe đã có mặt tại hơn 1.000 thành phố trên toàn thế giới. 
 
Các chuyên gia trong ngành ô tô cho biết đến năm 2020 sẽ có khoảng 10 triệu xe tự lái lưu thông trên đường phố. Ông Silberg cho rằng điều này, cũng như xu hướng chia sẻ xe, cũng có thể tác động đến cả thói quen sở hữu xe của người tiêu dùng và các vấn đề về giao thông như tắc đường và đỗ xe.
 
Từ câu chuyện chia sẻ xe, trong bối cảnh các công nghệ mới phát triển ngày càng nhanh trong cuộc cách mạng 4.0 thì kinh tế chia sẻ có thể nói cũng sẽ bùng nổ.
 

Nguồn: An Bình/Chinhphu.vn

Các tin khác