Kinh tế xã hội
Quy hoạch phát triển rừng nguyên liệu: Vẫn chưa xứng với tiềm năng
(Congannghean.vn)-Nghệ An có nhiều tiềm năng trong việc xây dựng, phát triển quy hoạch các vùng nguyên liệu, trong đó có rừng nguyên liệu. Đó là điều kiện căn bản để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành tổ chức liên kết sản xuất theo quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện nay, quá trình thực hiện vẫn chưa thực sự tạo dấu ấn nổi bật.
Nguồn nguyên liệu rừng có nhiều tiềm năng để khai thác |
Trong những năm gần đây, công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh khá phát triển, có hàng trăm cơ sở chế biến trên khắp 21 huyện, thị. Nhằm đưa công nghiệp chế biến gỗ phát triển một cách đồng bộ mang tính tập trung có quy mô lớn, tỉnh đã cho quy hoạch lại các cơ sở, làng nghề chế biến gỗ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên nguyên tắc các cơ sở chế biến phải gắn với vùng nguyên liệu ổn định, có nguồn lâm sản hợp pháp. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, 11 doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy; ngoài ra có hơn 7.361 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể các mặt hàng đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Để tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của các vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, cung cấp cho các nhà máy và làng nghề chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt việc lập ‘‘Quy hoạch phát triển rừng nguyên liệu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn 2030’’. Đây là cơ sở để phát triển rừng trồng nguyên liệu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển rừng trồng nguyên liệu với diện tích 208.413,91 ha.
Nhìn chung, các dự án đầu tư sau khi được quy hoạch vùng nguyên liệu đều tổ chức triển khai quy hoạch được duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy hoạch gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thủ tục thuê đất để thực hiện dự án. Đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích làm xong thủ tục cho các dự án thuê đất là 17.833,84 ha, đạt 25,4% diện tích quy hoạch dự kiến thuê đất; đối với việc liên doanh liên kết, về cơ bản các chủ dự án chưa có chính sách đầu tư cho các diện tích liên doanh liên kết để phát triển vùng nguyên liệu theo quy hoạch.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư ngoài phát triển rừng nguyên liệu trên quỹ đất chưa quy hoạch cho các dự án trên, cần phải rà soát điều chỉnh các quy hoạch vùng nguyên liệu của các dự án chậm thực hiện, hoặc thực hiện không có hiệu quả như: Quy hoạch dự án trồng rừng Innovgreen; quy hoạch vùng nguyên liệu cho Nhà máy bột giấy Tân Hồng; quy hoạch vùng nguyên liệu của Công ty CP Kiến trúc và Nội thất NaNo… để chuyển đổi hoặc quy hoạch mới cho các nhà đầu tư khác hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, hiện nay, chủ quản lý diện tích có rừng trên địa bàn chủ yếu là hộ gia đình và cộng đồng. Vai trò của các hộ gia đình và cộng đồng trong việc xây dựng và phát triển rừng trồng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh là rất quan trọng. Theo đó, quy hoạch phát triển rừng trồng nguyên liệu được phân chia thành 6 nhóm chủ quản lý, trong đó nhóm hộ gia đình và cộng đồng là 248.467 ha, chiếm 87,6% diện tích quy hoạch và 89,9% diện tích có rừng trồng trong 283.562 ha đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển rừng trồng nguyên liệu. Vì vậy, công tác khuyến lâm, các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển rừng nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ trồng rừng nguyên liệu cũng như năng suất, chất lượng rừng trồng nguyên liệu gỗ trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, vẫn còn khoảng 75.000 ha đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng sản xuất, chưa quy hoạch các dự án cụ thể. Tuy nhiên, diện tích nói trên chủ yếu thuộc các huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, cơ sở hạ tầng kém phát triển, dân trí thấp, thời tiết không thuận lợi cho phát triển trồng rừng nguyên liệu cây ngắn ngày (kinh doanh gỗ nhỏ). Khu vực này cần có chính sách phát triển riêng để kêu gọi các dự án đầu tư phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn (trồng cây bản địa).
Trong báo cáo quy hoạch rừng nguyên liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cũng đã đề xuất hủy bỏ quy hoạch. Với tổng diện tích 68.559 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng không hoặc đã dừng triển khai thực hiện quy hoạch. Vì vậy, cần xem xét, hủy bỏ các quy hoạch trên, nhằm dành quỹ đất cho dự án đầu tư phát triển rừng trồng nguyên liệu khác trên địa bàn tỉnh. Bởi trên thực tế, khi quy hoạch phát triển rừng nguyên liệu được triển khai, nhiệm vụ của chủ đầu tư là phát triển rừng nguyên liệu đúng quy hoạch; đồng thời có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm khai thác rừng trồng nguyên liệu hiện có.
Có thể khẳng định, việc thực hiện quy hoạch sẽ đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ chế biến, góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp gắn với phát triển bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường, nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm ổn định, lâu dài cho người làm nghề rừng. Vì thế, việc xây dựng, thực hiện cần có sự hợp nhất, đồng bộ từ lãnh đạo tỉnh đến chính quyền cơ sở, nhất là phía doanh nghiệp và hộ gia đình, tránh để lãng phí nguồn tài nguyên quý giá.
Mai Hậu