Kinh tế xã hội

Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai ở các hồ đập, công trình thủy điện

09:04, 08/09/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Địa hình, khí hậu, thủy văn phức tạp; thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là bão, lũ, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, nắng hạn…, gây thiệt hại về người, tài sản và công trình. Do đó, để chủ động tổ chức thực hiện công tác phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, việc xây dựng và ban hành phương án phòng, chống thiên tai (PCTT) là yêu cầu cấp thiết.

Vận hành các công trình thủy lợi đúng quy trình góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai - Ảnh: nguồn internet
Vận hành các công trình thủy lợi đúng quy trình góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai - Ảnh: nguồn internet

Theo quy định của Luật PCTT năm 2013, thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội. Vì vậy, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, các ngành, địa phương cần xây dựng phương án ứng phó một cách chủ động, hiệu quả.

Đặc điểm chung của khí hậu ở Nghệ An là khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động của bão cùng những biến tính của gió mùa. Theo phân tích khoa học, đối với lốc xoáy, mưa đá thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6, tập trung nhiều ở các huyện miền núi; mặc dù diễn ra ở phạm vi hẹp nhưng hậu quả gây ra hết sức nặng nề. Thời kỳ hạn hán, nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8, với nhiệt độ từ 27oC - 29oC.

Ngoài ra, gió mùa và bão cũng là hiện tượng tự nhiên gây nhiều tác động đến đời sống, khi Nghệ An luôn chịu ảnh hưởng của hai hướng gió Đông Bắc (mùa đông) và Đông Nam (mùa hè); bão từ tháng 6 đến tháng 11, bình quân mỗi năm chịu từ 2 - 3 cơn bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp; tình trạng rét đậm, rét hại cũng diễn biến phức tạp, kéo dài từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau.

Bên cạnh đó, Nghệ An có hệ thống sông suối khá dày đặc, trong đó có 6 con sông chảy ra biển lớn, nhất là sông Cả (qua biển Cửa Hội). Hầu hết các con sông bắt nguồn từ nội địa, sông ngắn, nhỏ, chảy quanh co. Gần đây, các con sông được cải tạo lớn bằng các công trình thủy lợi, cống ngăn mặn, hệ thống đê điều. Toàn tỉnh hiện có khoảng 625 hồ chứa nước, trong đó doanh nghiệp Nhà nước quản lý 75 hồ, còn lại địa phương quản lý, khai thác sử dụng.

Từ đặc điểm địa lý tự nhiên trên có thể thấy, những năm gần đây trên địa bàn Nghệ An, tình hình thiên tai rất phức tạp bởi sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Các hiện tượng thời tiết mang nhiều yếu tố cực đoan, gây sự bất ngờ và khó khăn trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN).

Để ứng phó với thiên tai, nhiều năm qua, công tác PCTT-TKCN đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, với việc thành lập Ban chỉ huy PCTT-TKCN cấp tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; các sở, ngành, huyện, xã, cơ quan, đơn vị đều thành lập ban chỉ huy tương đương. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban chỉ huy cấp tỉnh, Chi cục Thủy lợi là cơ quan tham mưu, đồng thời là Văn phòng thường trực cấp tỉnh của Ban chỉ huy PCTT-TKCN.

Hàng năm, cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai; chuẩn bị phương tiện, lực lượng, vật tư, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về PCTT được các cấp, ngành quan tâm, nhất là các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng. Đặc biệt, công tác triển khai thực hiện được các ban, ngành, lực lượng vũ trang cùng các địa phương, nhân dân vào cuộc một cách nghiêm túc. Trong đó, trước mùa mưa bão, các công trình PCTT như thủy lợi, giao thông, xây dựng đều được kiểm tra để có biện pháp khắc phục, tu sửa, nâng cao khả năng phòng, chống.

Cụ thể, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án phòng, chống lụt bão các công trình trọng điểm như đê Tả Lam, các hồ đập lớn do các doanh nghiệp thủy lợi quản lý; UBND cấp huyện phê duyệt phương án phòng, chống lụt bão tại các hồ đập nước quan trọng do các công ty quản lý. Nhìn chung, phần lớn các hồ chứa được xây dựng từ lâu. Mức đảm bảo an toàn lũ thấp, hệ thống đường quản lý ứng cứu không đảm bảo.

Đảm bảo quy trình vận hành các hồ chứa, thủy điện góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai
Đảm bảo quy trình vận hành các hồ chứa, thủy điện góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai

Bên cạnh đó, hệ thống công trình tiêu úng như cống tiêu, trạm bơm, kênh tiêu; các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không và các công trình khu neo đậu tàu thuyền, thông tin liên lạc, cứu hộ, cứu nạn… cũng đang được các cấp, ngành quan tâm nâng cấp. Ngoài ra, các công trình thủy điện ở các con sông bên cạnh góp phần phát triển kinh tế và cắt giảm lũ cho hạ du, các công trình thủy điện đã tác động không nhỏ đến một bộ phận dân cư vùng lòng hồ, làm gia tăng khả năng biến đổi môi trường và nguy cơ gây ra lũ ống, lũ quét.

Thực hiện Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 5/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông; kế hoạch phê duyệt phương án PCTT của tỉnh, việc vận hành các công trình xả của các hồ chứa phải thực hiện theo đúng quy trình vận hành công trình xả đã được ban hành, nhằm đảm bảo ổn định cho hệ thống công trình đầu mối.

Trong đó, việc xả lũ trong mùa lũ phải đảm bảo an toàn công trình, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ, góp phần cắt, giảm lũ cho hạ du; đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du cũng như hiệu quả phát điện. Còn trong mùa cạn phải đảm bảo an toàn công trình, đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du, đảm bảo hiệu quả phát điện. Đối với hồ chứa đảm bảo nguyên tắc vận hành các hồ cắt, giảm lũ cho hạ du; tuân thủ theo quy định về trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả đã được cấp có thẩm quyền ban hành, đảm bảo không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực ven sông ở dưới hạ du hồ chứa.

Xuân Thống

Các tin khác