Kinh tế xã hội

Tháo 'rào cản' cho doanh nghiệp phát triển

10:11, 05/09/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế, ban hành nhiều chính sách, chủ trương để không tạo “rào cản” với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện tại cơ sở như thế nào, có thuận lợi không lại là câu chuyện khác.

Nguồn nhân lực lao động chất lượng, ổn định là mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp
Nguồn nhân lực lao động chất lượng, ổn định là mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp. Chỉ thị nêu rõ, thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển, ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Sau hơn 1 năm kể từ khi ban hành, việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức của bộ máy công quyền với tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng trưởng nhanh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Theo thống kê, tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại, tỉ lệ lô hàng kiểm tra chuyên ngành lên tới 30%, mục tiêu đặt ra giảm một nửa nhưng sự dịch chuyển của một số bộ, ngành còn rất chậm. “Giấy phép “con”, giấy phép “cháu” vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, gánh nặng thuế, phí đối với doanh nghiệp còn lớn, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí gây bất hợp lý, bức xúc trong nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà được xem là một trong những giải pháp căn cơ để giảm chi phí, tạo điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, những năm gần đây, các bộ, ngành, địa phương đã bắt tay vào việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiệu quả công tác này chưa như mong muốn. Một nguyên nhân chính được xác định là do nhiều quy định của Việt Nam chưa lượng hóa được, chỉ định tính nên khó tuân thủ. Chính phủ đã xác định năm 2017 phải là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia kiến nghị, để giảm chi phí cho doanh nghiệp, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tiếp tục nâng cao chất lượng thể chế pháp luật kinh doanh đảm bảo đồng bộ, nhất quán, minh bạch và ổn định.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm 2017, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân mở tài khoản thanh toán qua ngân hàng. Tính đến 30/6/2017, nguồn vốn huy động tại địa bàn (không tính Ngân hàng Phát triển) ước đạt 99.008 tỉ đồng, bằng 1,6% so với đầu năm, tăng 6.437 tỉ đồng, bằng 7,0%. Một số chương trình tín dụng tiếp tục phát huy lợi thế như cho vay nông nghiệp nông thôn gần 60.000 tỉ đồng; cho vay xuất khẩu đạt 1.655 tỉ đồng...

Trong một diễn biến khác, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22/8, cơ quan này đề xuất bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những giấy phép “con” cản trở doanh nghiệp lâu nay. Trong số này, cơ quan ngành kế hoạch đề nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính. Ngoài ra, 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm và 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất, 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, 80 điều kiện về quy hoạch... được đề xuất bỏ toàn bộ.

Ngoài ra, các điều kiện kinh doanh khác liên quan đến vấn đề nhân lực (trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, như nghề y, nghề kiểm toán) và một số điều kiện có nội dung không phù hợp khác, Bộ này cũng kiến nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần. Đây là điều được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, kỳ vọng trở thành cú hích thật sự để các doanh nghiệp có thể tháo gỡ những rào cản không cần thiết, đẩy mạnh phát triển sản xuất trong tương lai.

Mai Hậu

Các tin khác