Kinh tế xã hội
Huyện Hưng Nguyên
Lãng phí công trình nước sạch tiền tỉ
07:59, 31/08/2017 (GMT+7)
Là công trình nằm trong tổng thể Dự án Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong nhưng đến nay, hạng mục cuối cùng là hệ thống cấp nước sạch xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên vẫn còn dang dở và có dấu hiệu xuống cấp, trong khi hàng trăm hộ dân hưởng lợi đang phải dùng nguồn nước tự nhiên, mạch nước ngầm từ đồng ruộng về.
Chậm tiến độ
Công trình hệ thống cấp nước xã Hưng Thông do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư với kinh phí dự toán là 25,8 tỉ đồng; trong đó, chi phí xây dựng là 18,99 tỉ đồng. Công trình được thiết kế có công suất 1.000 m3/ngày, đêm, bao gồm các hạng mục: Công trình đầu mối, khu xử lý, mạng lưới đường ống cấp nước 1,2 và hệ thống điện. Sau khi hoàn thành, hệ thống cấp nước đi vào hoạt động, công trình sẽ cung cấp nước sạch cho 1.200 hộ dân trên địa bàn xã Hưng Thông.
Theo tìm hiểu, công trình được phê duyệt thi công trong thời gian 12 tháng, từ tháng 5/2015 - 5/2016, do 2 đơn vị thi công là Công ty TNHH Đại Việt và Công ty TNHH Dũng Tiến có địa chỉ tại TP Vinh. Đến nay, thời hạn thi công công trình đã kết thúc nhưng chưa thể bàn giao cho chủ dự án, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Ông Võ Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho biết, là quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, chúng tôi tự hào và ghi nhận sự quan tâm của các cấp, ngành Trung ương và tỉnh trong việc khảo sát, phê duyệt đầu tư cơ sở hạ tầng để xứng đáng với quê hương cách mạng.
Sau hơn 1 năm thi công theo phê duyệt, công trình cấp nước xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên chưa hoàn thành đưa vào sử dụng, trong khi nhiều hạng mục có dấu hiệu xuống cấp |
Trong đó, công trình hệ thống cấp nước nằm trong tổng thể của Dự án được xem sẽ tạo động lực cho sự phát triển của xã. Thế nhưng, đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành. Công trình do UBND huyện làm chủ đầu tư nên xã chỉ có trách nhiệm giải phóng mặt bằng và giám sát cộng đồng. Hiện tại đã cơ bản hoàn thành hạng mục nhà làm việc, tường bao, hồ chứa, bể chứa, đường ống cấp 1, 2… nhưng người dân chưa được sử dụng nước từ hệ thống này. Phía chủ đầu tư Dự án là UBND huyện Hưng Nguyên cũng thừa nhận, công trình không chỉ có tầm quan trọng về dân sinh, phục vụ nhu cầu nước sạch của nhân dân mà còn có ý nghĩa chính trị khi công trình được đầu tư cho xã Hưng Thông, quê hương của đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra, đúng là công trình đã chậm so với phê duyệt đầu tư.
Chưa bàn giao đã bộc lộ xuống cấp
Mặc dù công trình đang trong giai đoạn nhà thầu vừa thi công vừa bảo hành nhưng hiện nay, một số hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp. Cuối tháng 8, có mặt tại xóm 1 - nơi đầu tư hệ thống cấp nước cho xã Hưng Thông, phóng viên ghi nhận nhiều hạng mục của công trình hàng chục tỉ đồng này đã có dấu hiệu xuống cấp. Toàn bộ hệ thống dù chưa hoàn thành nhưng trong cảnh đìu hiu, tường bao xung quanh bị nứt kéo dài; các phòng chức năng xong phần thô nhưng chưa hoàn thiện cửa; bên trong tường rào, phân trâu, bò tràn lan.
Khu vực phía sau bờ kè của 2 hồ chứa nước xuất hiện những vết nứt kéo dài; nhiều đoạn mái ta-luy âm được gia cố bằng đá hộc vôi vữa đã bắt đầu bong rộp, sụt lún. “Xã đã nhận được những phản ánh này từ người dân, nhưng cũng chỉ báo cáo, kiến nghị lên cấp trên, vì xã không có quyền giải quyết, chỉ được tham gia khảo sát. Ngay cả hồ sơ thiết kế, dự toán công trình xã cũng không nắm được”, Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho biết thêm.Làm v
iệc với đại diện chủ đầu tư dự án, ông Phạm Thành Long, Phó Trưởng ban Quản lý Dự án xây dựng công trình UBND huyện Hưng Nguyên, được biết: Nguyên nhân chính dẫn đến công trình chậm tiến độ, chưa phát huy được như mục tiêu đề ra là do nguồn vốn chưa theo kịp. Hiện, khối lượng thi công đạt 75%/tổng số khối lượng phê duyệt xây lắp (gần 19 tỉ đồng) nhưng vẫn chưa đáp ứng được. Riêng phần hư hỏng, xuống cấp liên quan hạng mục nhà máy là do nhà thầu Công ty TNHH Đại Việt thi công. “Toàn bộ công trình được xây dựng trên nền đất rất yếu, đào xuống 3 m vẫn sình lầy nên không thể tránh khỏi sự cố. Do đê bao chống lũ quá thấp, khi thi công trong nền đất đắp, lấy nguồn đất sét tại chỗ nên trong quá trình đắp lại vào mùa mưa lũ bị ngậm nước sau khô thì bị tụt dẫn đến nứt, sụt lún”, Phó Trưởng ban Quản lý dự án phụ trách kỹ thuật giải thích.
Trước thực trạng này, khi được hỏi về triển vọng và thời gian công trình cấp nước có thể đưa vào sử dụng, ông Phạm Thành Long cũng mơ hồ: “Công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa bàn giao nên hạng mục nào xuống cấp, làm chưa đúng thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra và yêu cầu đơn vị thi công làm lại. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang lo lắng, nếu 2 nhà thầu thực hiện xong khối lượng theo phê duyệt thì vẫn chưa thể hoạt động, đồng nghĩa người dân vẫn chưa được hưởng lợi từ công trình này.
Lý do là đường ống cấp 3 nối từ cấp 1, cấp 2 của nhà máy đến các hộ dân chưa có, vì không nằm trong tổng thể công trình. Do đó, huyện đang tính toán để lập hồ sơ dự toán thi công mới, khi hạng mục này hoàn thành thì mới nối về khách hàng được”. Trong khi đó, đại diện nhà thầu thi công hạng mục đường ống cũng cho biết, người dân chưa thể sử dụng được nếu không xây dựng, đấu nối đường ống cấp 3. Vấn đề này rất cần xã hội hóa nguồn đóng góp từ người dân, bởi chi phí xây lắp để đến được trên 1.000 hộ dân hưởng lợi là khá lớn. Huyện đang cố gắng hết năm nay sẽ hoàn thiện.
Xuân Thống