Kinh tế xã hội

Những 'kiếp nạn' của doanh nghiệp

07:52, 30/08/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Cách đây ít lâu, một người bạn làm doanh nghiệp chia sẻ cho tôi một danh sách 81 thủ tục mà dự án của anh ta phải xin để có thể bắt đầu đi vào hoạt động.
 
Tôi mới hỏi đùa: "Thế nhỡ qua được 80 cái kiếp nạn rồi, đến cái thứ 81 mà cán bộ không ký giấy phép cho thì làm thế nào?" Anh ta cười cười, xoa ngón trỏ và ngón cái vào nhau.
Theo thống kê của VCCI, hiện có hơn 5.719 điều kiện kinh doanh.
Theo thống kê của VCCI, hiện có hơn 5.719 điều kiện kinh doanh.
Đã qua 20 năm cắt giảm, giấy phép con vẫn là vấn đề nan giải với doanh nghiệp, đặc biệt là trong 10 năm qua. Có người ví von, giấy phép con giống như con quái vật Hydra trong thần thoại Hy Lạp, cắt một cái đầu sẽ mọc lên hai cái khác thay thế.
 
Theo tôi, lý do lớn nhất là lợi ích. Trong hàng trăm, hàng nghìn văn bản quy định về giấy phép con, cơ quan có thẩm quyền cấp phép luôn là cơ quan đã chủ trì soạn thảo. Việc đặt ra càng nhiều giấy phép sẽ tăng thêm thẩm quyền cho cơ quan đó.
 
Trong thần thoại Hy Lạp, để tiêu diệt Hydra, Hercules đã phải kết hợp giữa việc chặt đầu cũ và ngăn các đầu khác mọc lại. Cắt bỏ giấy phép con cũng phải làm tương tự, kết hợp giữa rà soát những giấy phép con đang tồn tại và ngăn chặn việc đưa ra thêm những giấy phép mới.
 
Nhưng bí quyết để làm hai việc này chỉ có một. Đó là độc lập về chức năng, nhiệm vụ để chống xung đột lợi ích.
 
Việc rà soát, cắt bỏ giấy phép con mà giao cho bộ chuyên ngành như vài năm trước đây thì khó đạt được hiệu quả. Đó buộc phải là sự rà soát của cộng đồng doanh nghiệp, của các luật sư, các viện nghiên cứu,…
 
Mới đây, sau khi nhận được ý kiến phản ứng dữ dội của các doanh nghiệp ngành in và cả ngành dệt may, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho một Bộ sửa đổi một Nghị định. Sau đó, Bộ này đã trình một dự thảo nhưng chỉ sửa đổi 4 điểm được coi là “tiểu tiết”, còn hầu hết các giấy phép vẫn giữ nguyên. Đương nhiên, Chính phủ không đồng tình với bản Nghị định sửa đổi và vẫn yêu cầu sửa lại.
 
Trên thực tế, các cơ quan soạn thảo khó có động lực để sửa đổi chính những gì mình đã soạn ra. Ở đầu còn lại, việc soạn thảo ra những giấy phép mới cũng cần phải được giao cho những cơ quan không thực thi viêc cấp phép.
 
Một ví dụ đáng ghi nhận là dự thảo Nghị định về kinh doanh khí thay thế Nghị định 19. Nghị định 19 do Bộ Công Thương soạn, mà cụ thể là Vụ Thị trường trong nước. Vụ này đồng thời cũng là đơn vị tham mưu cho Bộ về việc cấp phép kinh doanh khí. Nghị định 19 bị các doanh nghiệp phản ứng quá mạnh, Bộ Công Thương đã tìm cách soạn thảo văn bản thay thế và lãnh đạo Bộ giao việc này cho Vụ Pháp chế.
 
Dự thảo mới ra được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận một cách tích cực hơn. Mặc dù trong quá trình soạn thảo, Vụ Pháp chế gặp rất nhiều khó khăn do mới tiếp cận nên không nắm chắc nội dung quản lý ngành. Quá trình soạn thảo kéo dài hơn, những người trực tiếp chắp bút phải làm việc vất vả hơn, nhưng hiệu quả đầu ra tăng rõ rệt.
 
Ví dụ trên cho thấy một cách thức làm việc rất quan trọng để có thể có được chất lượng pháp luật và điều hành tốt hơn.

Việt Nam phải quản bằng tiền kiểm?
 
Mới đây, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho rằng người dân và doanh nghiệp chưa có ý thức tuân thủ pháp luật như nước phát triển nên chưa quản lý theo cách thức của nước phát triển. Theo lập luận này, ở nước ngoài làm gì có rau hai luống, làm gì có chất cấm trong chăn nuôi... nên các nước như Nhật, Singapore mới quản lý hậu kiểm được, còn ở Việt Nam vẫn phải quản lý tiền kiểm bằng giấy phép.
 
Tôi chưa bao giờ nghiên cứu pháp luật về an toàn thực phẩm ở các nước khác. Nhưng từng học luật môi trường ở Singapore, tôi biết vào thời những năm 1960, nước này cũng gặp rất nhiều vấn đề môi trường, nước sông đen kịt, đường phố đầy rác, nhà máy ô nhiễm… Sự thay đổi không đến từ việc người dân tự thay đổi ý thức tuân thủ pháp luật, hay những giấy phép môi trường từ phía Nhà nước.
 
Ai từng sống ở quốc đảo này cũng biết, mức phạt cho việc vứt đầu lọc thuốc lá ra đường là $200. Dù không phải trường hợp nào vứt đầu lọc ra đường cũng bị phát hiện, nhưng nếu đã bị phát hiện thì chắc chắn bị phạt một cách nghiêm minh.
 
Rất nhiều quốc gia trên thế giới có quy định các dự án trước khi triển khai phải xin một cái giấy phép môi trường - gọi là đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Singapore không tiền kiểm theo kiểu này. Họ hậu kiểm bằng cách, anh cứ tự thực hiện dự án và nếu xảy ra bất kỳ một vấn đề môi trường nào, anh chịu trách nhiệm. Mức phạt tiền vô cùng cao và rất nhiều trường hợp truy cứu hình sự. Vậy nên, chẳng có ai dại gì mà không nghiên cứu cẩn thận vấn đề môi trường của dự án trước khi khởi công.
 
Tôi có một vài người bạn làm tư vấn pháp lý cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của Singapore. Bạn bè phản ánh, doanh nghiệp Singapore sang đây cũng sẵn sàng phớt lờ các quy định môi trường nếu họ thấy Nhà nước thực thi không nghiêm.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác