Kinh tế xã hội
Thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng môi trường đầu tư
(Congannghean.vn)-Là cây trồng chủ lực “bén duyên” trên vùng đất khó xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, diện tích cây chanh leo trong những năm gần đây không ngừng được mở rộng, trở thành cây “xóa nghèo” cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Thế nhưng trong vài tháng qua, nhiều diện tích cây trồng vào độ chuẩn bị thu hoạch đã bị một nhóm người có ý đồ xấu chặt phá, hủy hoại. Sự việc trên gây ảnh hưởng rất lớn về kinh tế và môi trường đầu tư của tỉnh cũng như của huyện, cần được cơ quan chức năng điều ra, xử lý nghiêm minh.
Nhiều diện tích cây chanh leo trong vùng dự án tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong bị chặt hạ |
Cây thoát nghèo
Đã một thời cây mía được xem là “linh hồn” sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho vùng đất bazan Phủ Quỳ. Sự phát triển về quy mô diện tích, sản lượng và thu nhập mang lại đã đưa cây mía trở thành cây trồng chủ lực cho người dân các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong. Trong mục tiêu chung phát triển các huyện miền Tây của tỉnh theo quyết định của Chính phủ, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, tỉnh Nghệ An đã ưu tiên việc khảo sát, lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Trong số những cây trồng “khó tính”, cây chanh leo được xem là loại cây phù hợp với khí hậu lạnh trên khu vực miền núi, biên giới của huyện Quế Phong.
Sau nhiều năm thử nghiệm tại vùng đất xã Tri Lễ, cây chanh leo đã cho thấy sự thích nghi, sinh trưởng và phát triển, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các địa phương trong vùng. Với việc thành lập nhà máy chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu, sản phẩm cây chanh leo đã có đầu ra ổn định, tạo nguồn thu nhập khá cho nhân dân, được nhân dân lựa chọn là loại cây trồng chính và không ngừng mở rộng diện tích qua các năm.
Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ phấn khởi cho biết, chúng tôi xác định rằng, cùng với mọi nguồn lực để nâng cao đời sống của đồng bào vùng biên giới vốn khó khăn lâu nay, bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đã nắm bắt cơ hội trong phát triển kinh tế. Ngoài việc đưa cây lúa nước trồng ở các bản đồng bào người Mông thì cây chanh leo được các cấp khảo nghiệm và phát triển trong gần chục năm qua trên địa bàn xã là một “cú hích” trong phát triển kinh tế. Nhiều hộ từ trồng chanh leo đã nhanh chóng thoát nghèo và trở thành hộ khá giả, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động địa phương.
Ông Phạm Duy Thái, Giám đốc Công ty cổ phần chanh leo Nafoods Tri Lễ cho biết: Là doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực kinh tế với các cây trồng như chanh leo, gấc…, chúng tôi chọn Tri Lễ, huyện Quế Phong làm nơi cung cấp nguyên liệu chính. Đến nay, ngoài huyện Quế Phong, còn mở rộng diện tích ở huyện Tương Dương và một số địa phương. Trong lộ trình phát triển, chúng tôi đã xây dựng Trung tâm Nhân giống chanh leo của Công ty cổ phần chanh leo Nafoods tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Đây là Trung tâm sản xuất giống chanh leo lớn nhất Châu Á với công suất 4 triệu cây giống/năm với sản phẩm giống chanh leo, có thể đáp ứng nhu cầu về giống cây cho cả nước.
Có thể thấy, sự có mặt của cây chanh leo ở khu vực miền Tây Nghệ An đã khẳng định tính đúng đắn trong cơ cấu ngành, cơ cấu cây trồng trong lĩnh vực nông nghiệp được tỉnh và huyện ưu tiên; đồng thời, đây còn là kết quả của công tác thu hút, kêu gọi đầu tư đối với các huyện nghèo có điều kiện phù hợp. Thế nhưng, xuất phát từ ý đồ cá nhân, trong thời gian gần đây, nhất là vào tháng 7, tháng 8, nhiều diện tích cây chanh leo bị đối tượng xấu phá hoại, chặt hạ đang trở thành vấn đề gây sự chú ý của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, bởi chính những hộ dân tham gia trồng loại cây này cũng khó giải thích được nguyên nhân sự việc.
Cơ quan chức năng vào cuộc xử lý
Ông Lữ Văn Tòng, nhân viên bảo vệ của Công ty Cổ phần chanh leo Nafoods Tri Lễ cho biết: “Sự việc được phát hiện khi đêm 9/8, các đối tượng ném đá vào nhà bảo vệ và sáng 10/8, toàn bộ 3 lô chanh leo hơn 5 tháng đang trong thời kỳ thu hoạch đã bị chặt phá nghiêm trọng. Trong đó, lô số 3 bị chặt ngang gốc toàn bộ, lô số 1 bị phá một nửa, riêng lô thí nghiệm chỉ còn sót lại 3 gốc. Nhận thấy đây là sự việc bất thường, tôi đã nhanh chóng gọi điện báo với Công ty đến kiểm tra thì thấy hơn 1.000 cây bị chặt phá. Nhìn cảnh tài sản bị phá xót xa lắm”.
Ông Lữ Văn Tòng, cán bộ Công ty cổ phần chanh leo Nafood xót xa trước diện tích chanh leo bị chặt phá - Ảnh: Hiến Chương |
Qua tìm hiểu được biết, đến thời điểm này, Công ty đã được giao 28 ha để trồng chanh leo trong tổng số 600 ha diện tích đất thực hiện dự án tại xã Tri Lễ. Trong số 28 ha này, Công ty đã dành 5 ha làm vườn ươm giống chanh leo công nghệ cao tại bản Pịch Niệng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.
Qua kiểm tra tại hiện trường, có 1.223 gốc chanh leo bị chặt phá cùng 50 m ống dẫn nước và 60 m2 bạt che phân bón bị mất. Đây là vụ hủy hoại, trộm cắp tài sản lần thứ 9 tính từ ngày 25/1/2017 đến nay tại các địa điểm Tà Pàn, Pịch Niệng của Công ty, ước tính thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Trong đó, vụ việc xảy ra trong 2 ngày 9 và 10/8 là vụ phá hoại mang tính chất nghiêm trọng nhất, với tổng giá trị thiệt hại theo tính toán là 983,8 triệu đồng. “Việc tài sản của doanh nghiệp bị đối tượng xấu phá hoại là hành vi đáng lên án và cần được điều tra làm rõ để xử lý nghiêm, bởi dưới góc độ kinh tế của doanh nghiệp, đã gây thiệt hại rất lớn và ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn”, ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ kiến nghị.
Trong khi đó, phía lãnh đạo Nafoods lo lắng, hậu quả không chỉ gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất, chiến lược phát triển của Công ty mà còn tác động rất lớn đến một chủ trương lớn của tỉnh khi phấn đấu đến năm 2020 mở rộng diện tích vùng trồng chanh leo lên 1.500 ha, chủ yếu nằm tập trung tại 2 địa phương Quế Phong và Tương Dương. Do đó, khi sự việc xảy ra, Công ty đã có đơn trình báo tới cơ quan chức năng.
UBND huyện Quế Phong chỉ đạo cơ quan Công an vào cuộc điều tra |
Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của Công ty, ngày 14/8, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong đã có Công văn 998/UBNND-VP gửi Trưởng Công an huyện, yêu cầu chỉ đạo điều tra, xử lý theo quy định.
“Hành vi chặt phá chanh leo trong vùng dự án của huyện là hành vi phá hoại của những kẻ xấu, không thể chấp nhận được. Sau khi nhận được đơn trình báo của Công ty, huyện Quế Phong đã vào cuộc, chỉ đạo lực lượng chức năng nhanh chóng điều tra, làm rõ. Quan điểm của huyện là bảo vệ lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp, đó cũng chính là bảo vệ người dân, bởi chính các hộ dân là đối tượng được hưởng lợi từ dự án này. Huyện sẽ kiên quyết tìm ra thủ phạm phá hoại, đưa ra xét xử trước pháp luật nhằm ổn định tình hình sản xuất của doanh nghiệp đến đầu tư, ổn định tâm lý cho người dân và đảm bảo ANTT trên địa bàn”, ông Lê Văn Giáp khẳng định.
Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Vi Văn Quang, Đội trưởng Đội Hình sự - Kinh tế - Ma túy Công an huyện Quế Phong cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo từ Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo Công an huyện đã nhanh chóng họp bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thành lập tổ công tác trực tiếp vào xã Tri Lễ thu thập thông tin, khoanh vùng điều tra về hành vi hủy hoại tài sản. Hiện, vụ việc đang được cơ quan Công an tập trung điều tra, làm rõ.
Xuân Thống