Kinh tế xã hội
Đừng để chỉ là biểu tượng
(Congannghean.vn)-Khánh thành cách đây hơn 3 tháng, Trung tâm Thương mại Hàn Quốc tại TP Vinh (có vị trí tại tầng 3 chợ Vinh) được kỳ vọng là cơ sở đặt nền móng quan trọng cho hoạt động kết nối về kinh tế giữa TP Vinh (Nghệ An) và TP Namyangju (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc), góp phần đẩy mạnh xúc tiến hợp tác quảng bá giữa các doanh nghiệp 2 địa phương trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, sau thời gian đi vào hoạt động, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay, Trung tâm vẫn chưa tạo sức lan tỏa như mong đợi.
Khung cảnh vắng vẻ tại Trung tâm |
Quan hệ giữa TP Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung với TP Namyangju (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) đã có từ lâu. Nguồn đầu tư đến từ Hàn Quốc được xem là một trong những nguồn lực tiềm năng và có hiệu quả, đóng góp một phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, mối quan hệ giữa TP Vinh, tỉnh Nghệ An và TP Namyangju trong những năm qua đã có sự gắn bó, liên hệ rất mật thiết.
Tháng 11/2005, TP Vinh và TP Namyangju, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) đã thiết lập mối quan hệ kết nghĩa với nhau trên các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên… Từ đó đến nay, mối quan hệ luôn được duy trì và phát triển với những chuyến giao lưu, tổ chức các đoàn đến thăm và làm việc giữa hai bên. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, Hội học bổng Vinh tại TP Namyangju và Câu lạc bộ Rotary quốc tế đã trao nhiều phần thưởng cho học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi, hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, tài trợ thiết bị giáo dục thể chất…
Từ thời gian đầu, hoạt động hợp tác giữa hai bên chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Để tăng cường hiệu quả kết nối 2 địa phương, trong buổi làm việc giữa TP Vinh và tỉnh Gyeonggi vào cuối năm 2015, lãnh đạo TP Vinh đề xuất phía TP Namyangju triển khai dự án trưng bày và giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại tầng 3 chợ Vinh, hợp tác xây dựng 1 công trình trên địa bàn TP Vinh để đánh dấu mối quan hệ hợp tác hai bên.
Sau thời gian thống nhất, lựa chọn địa điểm, xây dựng kế hoạch, ngày 30/3/2017, TP Vinh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp TP Namyangju tổ chức khai trương Trung tâm thương mại tại tầng 3 chợ Vinh. Ngày 19/5, Trung tâm chính thức đi vào hoạt động. Theo đó, Trung tâm là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Hàn Quốc gồm các ngành nghề như: Thiết bị gia dụng, hàng điện tử, thiết bị điện tử nhà bếp, tủ đông, tủ bảo quản đồ lạnh, đồ chơi, xe đạp trẻ em, dụng cụ thể thao, loa máy, mỹ phẩm…
Người dân có thể đặt mua các sản phẩm chất lượng cao của Hàn Quốc thông qua đại diện trung tâm tại TP Vinh. Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp TP Namyangju Hàn Quốc đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ kết nghĩa giữa 2 thành phố, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp, góp phần nâng cao mối quan hệ hợp tác của TP Vinh và TP Namyangju.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng hoạt động, sức lan tỏa của Trung tâm vẫn chưa như mong đợi. Nhiều lần có mặt tại Trung tâm, chúng tôi ghi nhận khung cảnh khá đìu hiu, trái ngược với sự ầm uất của khu vực tầng 1, tầng 2 chợ Vinh.
Trao đổi với phóng viên về hoạt động của Trung tâm, ông Phạm Đức Tuân, Phó Giám đốc Văn phòng đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp miền Đông tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc cho biết: Nhiệm vụ chính của Trung tâm là trưng bày giới thiệu sản phẩm. Thông qua đó, kết nối với các doanh nghiệp và cơ sở lưu thông kinh doanh buôn bán hàng Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh Nghệ An và kết nối với các doanh nghiệp Nghệ An có sản phẩm, mặt hàng đạt tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường Hàn Quốc. Theo thỏa thuận, Trung tâm sẽ hoạt động với hai hình thức chính là giới thiệu sản phẩm và nhập về phân phối lại với số lượng lớn. Hiện, đã có 24 gian hàng giới thiệu sản phẩm của 24 doanh nghiệp Hàn Quốc, với đa chủng loại như: Mỹ phẩm, rong biển, nấm, linh chi…
Vị trí rộng, thoáng nhưng trung tâm vắng khách qua lại |
Chia sẻ về những khó khăn khiến nhiều đơn vị doanh nghiệp và người dân chưa biết đến Trung tâm, theo ông Tuân, có nhiều nguyên nhân. Vị trí tại tầng 3 chợ Vinh khá khuất so với trung tâm TP Vinh. Trong khi đó, từ ngoài cổng chính đến chỗ đi vào, đều không có biển dẫn hay chú thích nào thật rõ ràng, ấn tượng để mọi người tham khảo. Mặt khác, nói là tầng 3 nhưng đó là xét khi đi theo cầu thang bộ, trong khi đi thang máy, Trung tâm lại nằm ở tầng 4. Ngoài vị trí không thuận lợi, thì nguyên nhân lớn nhất vẫn là Trung tâm không bán lẻ, chỉ bán với số lượng lớn. Điều này khiến nhiều người dân khi đi vào Trung tâm dù đã rất ưng ý một sản phẩm chất lượng nhưng lại phải quay ra. Trong tâm lý người tiêu dùng, đây là điều tối kỵ để họ quay lại lần tiếp theo và quảng bá theo hình thức “tuyên truyền miệng” với những người khác.
Để khắc phục hạn chế trên, Văn phòng đã triển khai nhiều giải pháp: Trước hết là tìm hiểu thị trường để tiếp xúc với các nhà nhập khẩu trực tiếp sản phẩm Hàn Quốc. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn TP Vinh không có doanh nghiệp nào đủ tiềm lực để nhập trực tiếp, chủ yếu nhập lại từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Do mới đi vào hoạt động nên Trung tâm từng bước tiếp cận, không thể thay đổi hẳn kênh kết nối từ trước. Còn về đặc trưng không bán lẻ sản phẩm, Trung tâm đang đề xuất với lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Vinh để có cơ chế mới trong xúc tiến thương mại. Nếu được chấp thuận, thì ngoài chức năng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, Trung tâm sẽ hoạt động như kênh nhập và phân phối lại những mặt hàng Hàn Quốc đạt tiêu chuẩn, chất lượng.
Ngày 28/6 vừa qua, Trung tâm cũng đã tổ chức Hội nghị khách hàng, mời các doanh nghiệp Xuất nhập khẩu phân phối sản phẩm Hàn Quốc trên địa bàn Hàn Quốc tham dự. Nhân viên của Trung tâm cũng đang xúc tiến các hoạt động để quảng bá tới nhiều doanh nghiệp, người dân, trước mắt là lắp biển hướng dẫn từ ngoài chợ Vinh đi vào. “Chất lượng sản phẩm đã được đảm bảo, vì những mặt hàng, sản phẩm bán tại đây đều được chọn lựa từ các doanh nghiệp uy tín, chất lượng của Hàn Quốc. Tuy nhiên, hoạt động truyền thông vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Tuân cho biết thêm.
Tiềm năng trong kết nối thương mại giữa các doanh nghiệp TP Vinh và Hàn Quốc trong tương lai sẽ còn rất lớn. Thị hiếu người tiêu dùng đang rất muốn lựa chọn những sản phẩm ngoại có uy tín, chất lượng, trong khi trên thị trường hiện nay, chủ yếu là các mặt hàng nhập theo đường tiểu ngạch, hàng xách tay, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhu cầu để quảng bá của các doanh nghiệp Nghệ An cũng ngày một cao. Để Trung tâm Thương mại Hàn Quốc tại TP Vinh thực sự phát huy hiệu quả, đúng như kỳ vọng ban đầu, thiết nghĩ, cần có sự điều chỉnh hợp lý từ lãnh đạo 2 địa phương. Có như vậy, hoạt động của Trung tâm mới tạo sức lan tỏa và quảng bá rộng khắp đến các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Mai Hậu