Kinh tế xã hội
Làm sao để có minh bạch
14:38, 30/08/2017 (GMT+7)
Khi đọc thông tin từ Thanh tra Chính phủ rằng các dự án BOT giao thông có tình trạng "ém thông tin về dự án, cải tạo đường cũ nhưng lại thu phí theo kiểu làm đường mới", ta có thể nhận được gì từ kết luận ấy? Rất nhanh, thoáng qua suy nghĩ của tôi, đó là sự "minh bạch".
Thanh tra Chính phủ đã kết luận rất nhanh, đi thẳng vào vấn đề mà dư luận quan tâm, không mập mờ chút nào khi nói về các hiện tượng tiêu cực của các dự án BOT đường bộ.
Còn ở phía ngược lại, những người tham gia thực hiện, quản lý các dự án BOT kia đã có tình trạng ém nhẹm thông tin (không minh bạch), thậm chí là khuất tất, gian dối (khi thu phí theo kiểu làm đường mới đối với các dự án cải tạo đường cũ).
Sự nhanh nhạy, thẳng thắn và minh bạch của Thanh tra Chính phủ thực tế đến do đâu? Rất nhanh thôi, chúng ta có thể trả lời nhau rằng nó đến từ đòi hỏi được biết, được tham gia của người dân, một đòi hỏi nhiều áp lực ở giai đoạn các cánh cổng xã hội đã được mở rộng vì sự tiến bộ của công nghệ thông tin.
Minh họa: Lê Phương. |
Nhưng câu trả lời ấy chỉ đúng một phần. Phần lớn hơn, tôi cho rằng sự minh bạch của Thanh tra Chính phủ đến từ chính cơ quan ấy. Họ có một nhu cầu rất rõ: nhu cầu thể hiện sự công chính trong việc mình đang làm. Và khi con người ta có nhu cầu công chính, người ta sẽ minh bạch những việc mình làm ngõ hầu để khách quan thừa nhận và ghi nhận sự công chính ấy.
Vậy thì câu hỏi minh bạch có khó không đã được trả lời tận gốc. Minh bạch không khó nếu như người thực hiện nghĩa vụ bất kỳ nào đó luôn giữ cho mình một nhu cầu được là con người công chính, làm những việc chính đáng.
Trở lại về cơ bản, chúng ta hiểu rất rõ, chi phối mọi hành động của loài người đều bắt nguồn từ nhu cầu của con người ta mà ra cả. Như một lý giải rất thú vị của học giả Israel Yuvanl Noah Harari trong cuốn Sapiens: Lược sử về loài người vậy. Harari cho rằng việc con người hiện nay thích ăn những thứ nhiều chất đường có thể bắt nguồn từ một nhu cầu đã nằm sâu trong ADN của chúng ta.
Từ thời săn bắn, hái lượm, tìm được quả chín ngọt không phải lúc nào cũng dễ nên cái sự thèm ngọt kia đã hình thành một nhu cầu mang tính tập quán. Và từ đó, con người có thói quen ăn cho đã miệng, đã thèm mỗi khi gặp đồ ăn ngọt.
Ví dụ trên chỉ là vui nhưng nó chân thực ở chỗ, khi chúng ta có một nhu cầu nào đó, chúng ta sẽ cố gắng mọi cách trong khả năng có thể để tự đáp ứng nhu cầu đó của mình. Và nếu một quan chức trong bộ máy nhà nước không có nhu cầu trở nên công chính mà thay vào đó để cho các thèm khát về của cải, vật chất, địa vị lấn át não trạng của mình, họ sẽ hành động để đáp ứng nhu cầu kia của mình bất chấp hậu quả. Mà con người thì vốn ích kỷ.
Khi họ có một nhu cầu, họ sẵn sàng chà đạp nhu cầu của người khác và câu chuyện tham nhũng đối đầu với chống tham nhũng đã phơi bày rất rõ hiện trạng nhiều quan chức tha hóa chỉ vì nhu cầu bất chính của mình mà chà đạp cái nhu cầu tối cao của dân chúng: nhu cầu minh bạch hóa những dự án, công trình liên quan mật thiết đến an sinh, xã hội.
Vậy thì minh bạch khó hay không sẽ được giải quyết ở chỗ chúng ta có xác định được người cán bộ công quyền có nhu cầu ra sao? Việc này không khó chút nào bởi qua tiếp xúc công việc mỗi ngày, chúng ta sẽ dễ dàng xác định được nhu cầu của những con người trong bộ máy là như thế nào.
Và một khi đã xác định được nhu cầu của họ, những ai không có nhu cầu trở thành con người công chính nên bị loại bỏ ngay khỏi guồng máy trước khi họ kịp gây hại. Đây cũng chính là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất và nó hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4, vốn nhấn mạnh vai trò của công tác nhân sự.
Nhưng nói về nhu cầu, tức là nói đến cái bản năng, có thể nào cái bản năng xấu sẽ được cải tạo hay không? Ví như nếu một người thèm ăn ngọt nhưng ý thức được ăn ngọt sẽ dễ mắc bệnh tim mạch, họ sẽ khống chế nhu cầu ấy của mình một cách kiên định và khoa học. Kèm theo đó, có thể họ sẽ tập luyện chăm chỉ hơn, để có một cơ thể cân đối.
Nói thì dễ, nhưng làm được thì rất khó. Nó không chỉ đòi hỏi ý chí, tính kỷ luật mà còn đòi hỏi tự thân phải đánh thức một nhu cầu khác trong mình: nhu cầu được khỏe mạnh. Khi cái nhu cầu lành mạnh lấn át được nhu cầu thấp hèn, con người ta mới có thể chiến thắng lại đòi hỏi hằng ngày của nhu cầu thấp hèn kia.
Tôi tin, trong mỗi chúng ta, đều có nhu cầu lành mạnh lẫn nhu cầu thấp hèn. Điều quan trọng là ta chiến thắng cái thấp hèn bằng cách nào và phát huy cái lành mạnh ra sao mà thôi. Để làm được điều đó, tất cả đều do nhận thức mà ra cả.
William Blake, thi sỹ người Anh, từng có câu "Khi cánh cửa nhận thức được gột sạch, mọi thứ sẽ hiện ra trước con người chân thực như là chính nó, đến tận cùng".
Đúng, nhận thức là quan trọng vô cùng. Nhận thức kém thì sẽ càng để mình bị kích thích bởi nhu cầu thấp kém. Và nhận thức kém sẽ khiến con người ta có thái độ lấp liếm, khuất tất nhằm che giấu những việc xấu mà mình đã và đang làm.
Nguồn: Hà Quang Minh/CAND