Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-co-so/201706/tang-cuong-phong-chay-chua-chay-rung-mua-nang-nong-744126/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-co-so/201706/tang-cuong-phong-chay-chua-chay-rung-mua-nang-nong-744126/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng mùa nắng nóng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 23/06/2017, 09:38 [GMT+7]

Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng mùa nắng nóng

(Congannghean.vn)-Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn, hàng năm cứ đến mùa nắng nóng, cảnh báo cháy rừng luôn ở cấp độ nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Năm 2017, dự báo thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là nhuần 2 tháng 6 nên khả năng nắng nóng, khô hạn kéo dài trên diện rộng càng cao. Vì thế, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đang được tăng cường triển khai một cách chủ động và tích cực nhất.

Phòng Cảnh sát PC&CC số 7 và Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn khảo sát, xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn - Ảnh: Huyền Thương
Phòng Cảnh sát PC&CC số 7 và Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn khảo sát, xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn - Ảnh: Huyền Thương

Năm 2016, canh cánh nỗi lo cháy rừng

Xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn có trên 600 ha rừng, địa phương nằm giáp ranh với các xã có diện tích rừng lớn như Khánh Sơn, Nam Tân và xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, vì vậy nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao.

Thời điểm này năm 2016, tại xã Nam Lộc xảy ra 3 vụ cháy rừng, trong đó có 2 vụ cháy là do cháy rừng ở Khánh Sơn và Thanh Chương lan sang. Những vụ cháy xảy ra liên tiếp, đáng chú ý là 2 vụ cháy trong ngày 12 - 13/6 khiến địa phương đã phải huy động tối đa các lực lượng chức năng trên địa bàn và bà con nhân dân tham gia chữa cháy.

Do thời tiết nắng nóng, gió phơn Tây Nam thổi mạnh, lượng thực bì trong rừng dày nên công tác dập lửa gặp rất nhiều khó khăn. Vừa dập xong đám cháy này thì đám cháy khác lại bùng phát, vì vậy các lực lượng tham gia chữa cháy đã triển khai tối đa các phương án, trong đó tập trung thiết lập đường băng cản lửa không để đám cháy lây lan trên diện rộng.

Ngoài ra, vào ban đêm, chính quyền địa phương luôn bố trí lực lượng túc trực tại các khu vực trọng điểm để tránh nguy cơ đám cháy bùng phát trở lại. Những vụ cháy này đã thiêu rụi hơn 20 ha rừng thông và rừng keo trên địa bàn. Sau các vụ cháy này, UBND xã Nam Lộc đã nghiêm túc tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm về công tác PCCCR.

Năm nay, trước tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng kéo dài, ngay từ đầu năm, UBND xã Nam Lộc đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp, trong đó tập trung làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân về nguy cơ, thiệt hại của cháy rừng đến tận các trường học, khu dân cư để nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, tuyệt đối không đưa lửa vào rừng để xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Ông Nguyễn Cảnh Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn cho biết: "Xã cũng đã tổ chức làm việc với các xã lân cận có diện tích rừng như Nam Tân, Nam Thượng, Khánh Sơn và tham mưu UBND huyện Nam Đàn tổ chức cuộc họp với UBND huyện Thanh Chương trao đổi, thống nhất đề ra các giải pháp phối hợp nhằm tăng cường công tác PCCCR một cách hiệu quả nhất.

Nam Lộc có diện tích rừng lâu năm lớn, lại nằm trên địa hình đồi núi gồ ghề, hiểm trở, đi lại khó khăn, lượng thực bì nhiều nên công tác chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Địa phương cũng xác định phương án chữa cháy an toàn nhất là làm các đường băng cản lửa, khoanh vùng các đám cháy lây lan. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, xã đã thiết lập được 12 đường băng cản lửa, mỗi đường băng có chiều dài 8 km. Nhờ làm tốt các mặt công tác nên đến nay chưa xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa bàn”.

Thiết lập các đường băng cản lửa để khoanh vùng các đám cháy, tránh lây lan trên diện rộng
Thiết lập các đường băng cản lửa để khoanh vùng các đám cháy, tránh lây lan trên diện rộng

Tăng cường ứng trực tại rừng trọng điểm

Đóng chân trên địa bàn xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Phòng Cảnh sát PC&CC số 7 quản lý 3 huyện đều có rừng là Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, trong đó Nam Đàn có nhiều khu di tích lịch sử quốc gia trọng điểm. Vì vậy, hàng năm, Phòng Cảnh sát PC&CC số 7 đã chủ động tham mưu UBND huyện các kế hoạch tăng cường công tác PCCCR, bố trí các lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao cũng như chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn như Quân đội, Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng… để công tác chữa cháy đạt hiệu quả cao.

Là thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh về chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020, Cảnh sát PC&CC tỉnh được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo phụ trách công tác PCCCR tại huyện Nam Đàn.

Trong những năm qua, Sở đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát PC&CC số 7 phối hợp với Chi cục Kiểm lâm huyện Nam Đàn tham mưu UBND huyện tổ chức Hội nghị tập huấn công tác PCCCR cho các chủ rừng, các lực lượng làm công tác bảo vệ rừng; tham gia khảo sát địa hình phục vụ công tác PCCCR năm 2017; ký kết hiệp đồng phối hợp lực lượng, phương tiện phòng, chống thiên tai, cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ với các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn… Trong những năm qua, với sự hỗ trợ tích cực của Phòng Cảnh sát PC&CC số 7, công tác PCCCR đã đạt hiệu quả rõ rệt qua từng năm.

Ông Vũ Hồng Minh, Phó Trưởng ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn cho biết: Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động hơn 1 năm nhưng Phòng Cảnh sát PC&CC số 7 đã thể hiện sự chuyên nghiệp và phát huy hiệu quả trong việc phối hợp triển khai các giải pháp PCCCR. Với sự nhanh chóng, chuyên nghiệp, CBCS đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc triển khai các phương án chữa cháy khi có sự cố xảy ra cũng như bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân, tham gia làm đường băng cản lửa…

Nhiều giải pháp trong mùa nắng nóng

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 900.000 ha rừng, trong đó có hơn 737.000 ha rừng tự nhiên, 16.000 ha thông nhựa. Vào thời điểm mùa khô, nhiệt độ có nơi lên 39, 40oC, độ ẩm thấp là điều kiện dễ xảy ra hiện tượng cháy rừng. Năm 2016, chỉ tính trong tháng 6 đã xảy ra 17 vụ cháy rừng. Cháy rừng thực sự trở thành nỗi ám ảnh khi mà các vụ cháy xảy ra liên tục trên nhiều địa phương khác nhau, thậm chí 1 ngày có tới 2 vụ.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2017, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệt độ có xu hướng tăng hơn so với trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa sẽ giảm và thiếu hụt từ 10 - 20% so với trung bình các năm trước. Do đó, có thể xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan, khả năng nắng nóng, khô hạn kéo dài diễn ra trên diện rộng. Vì vậy, ngay từ trước khi bước vào mùa nắng nóng, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều phương án cụ thể để hạn chế tình trạng cháy rừng.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: “Nguyên nhân các vụ cháy rừng là do vào đầu năm, ngoài nguyên nhân khách quan do điều kiện thời tiết khắc nghiệt thì còn nguyên nhân tác động do con người, đó là những mâu thuẫn trong công tác quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng, khai thác nhựa thông dẫn đến các hành vi cố ý đốt rừng trái phép.

Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ rừng. Ngay từ đầu năm, Chi cục đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường công tác PCCCR, huy động các cấp, ngành chung tay bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo các chủ rừng, chính quyền địa phương xây dựng phương án PCCC, trong đó đốt trước các vật liệu cháy, xử lý tốt vấn đề thực bì đối với khu vực rừng thông nhựa; tập huấn cho các xã trọng điểm về cháy rừng.

Đối với các khu rừng đặc dụng, trong thời gian qua, ngành Kiểm lâm đã chỉ đạo các chủ rừng, hạt kiểm lâm tăng cường các biện pháp PCCCR, tuyên truyền cho bà con nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của rừng, sử dụng lửa tránh vào thời cao điểm phát nương làm rẫy…”.

Về phía Cảnh sát PC&CC Nghệ An, Đại tá Vũ Ngọc Duệ, Trưởng phòng Tham mưu cho biết: “Để chủ động làm tốt công tác PCCCR, Cảnh sát PC&CC đã thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức kiểm tra định kỳ đối với rừng dễ cháy và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm cháy hoặc vi phạm quy định an toàn PCCCR và khi có yêu cầu bảo vệ đặc biệt. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm quy định của pháp luật về PCCCR; hướng dẫn chủ rừng chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện tại chỗ để xử lý hiệu quả các sự cố cháy rừng, tăng cường công tác tuần tra canh gác, bảo vệ, nhất là tại các khu vực rừng trọng điểm, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ”.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tập trung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC đối với chủ rừng, cán bộ, công nhân viên lâm nghiệp; rà soát, bổ sung các phương án chữa cháy rừng, huy động nhiều lực lượng tham gia để chủ động ứng phó và trang bị kỹ năng xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

.

Huyền Thương

.