Báo cáo với Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và đoàn công tác, Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng Giám đốc TCSG cho biết, 6 tháng đầu năm nay, TCSG đạt mức tăng trưởng 20%, dự kiến doanh thu năm cả năm sẽ đạt hơn 20.000 tỉ đồng, lợi nhuận dự kiến 2.100 tỉ đồng. Đến nay, toàn bộ cơ sở vật chất hạ tầng của TCSG đều bằng vốn tự có…
Về tình hình TTAT giao thông khu vực cảng Cát Lái và khu Đông, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng, các tuyến đường vào cảng như Xa lộ Hà Nội, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Vành đai 2 luôn xảy ra ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Các cổng ra vào cảng đều phải đi qua đường Nguyễn Thị Định nên gây ùn tắc ở vòng xoay Mỹ Thủy.
Hiện vấn đề giải quyết ùn tắc cho cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất được chính quyền và nhân dân thành phố hết sức quan tâm. Để giải quyết ùn tắc giao thông tại TCSG, năm nay thành phố sẽ hoàn thành nút giao thông Mỹ Thủy và 6 công trình khác sẽ được hoàn thành trong năm tới.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu dự buổi làm việc. |
Biểu dương TCSG trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và trong sản xuất kinh doanh, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, kết hợp kinh tế với quốc phòng là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Chủ trương này đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong lực lượng vũ trang kết hợp kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong mọi thời kỳ phát triển.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đều khẳng định kinh tế kết hợp với quốc phòng là nhiệm vụ lâu dài của Quân đội. Trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, bên cạnh yêu cầu nhiệm vụ quân sự - quốc phòng ngày càng cao thì yêu cầu nhiệm vụ tham gia sản xuất xây dựng kinh tế của Quân đội nói chung và của TCSG nói riêng là hết sức cấp thiết.
Những năm qua, Quân đội đã tham gia xây dựng hàng chục nông trường; tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... tạo điều kiện cho hàng triệu người dân định cư lâu dài; hình thành thế chiến lược kinh tế - quốc phòng trải dài suốt từ Bắc vào Nam. Quân đội cũng tham gia ở những vùng kinh tế hết sức khó khăn, thậm chí có những vùng chỉ có Quân đội mới làm được, từ đó hình thành thế phên dậu cho đất nước.
Nhiều doanh nghiệp Quân đội đã trở thành thương hiệu uy tín như Viettel, Tân Cảng, Công ty trực thăng, Ngân hàng Quân đội… Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng yêu cầu TCSG và các đơn vị Quân đội làm kinh tế phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, quy định của Quân đội trong sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, ngay sau khi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai và thực hiện nghiêm túc đề án sắp xếp lại và đổi mới phát triển các DN Quân đội. Quan điểm nhất quán của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng là kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn, thậm chí là giải thể các DN kinh tế, thương mại thuần túy không hoặc ít có nhiệm vụ quốc phòng. Đồng thời sắp xếp lại các DN quốc phòng cho phù hợp với yêu cầu kinh tế để xây dựng Quân đội và phù hợp với thế bố trí chiến lược, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch thông tin, nếu như trước đây Quân đội có 300 DN, thì vừa qua Bộ Quốc phòng đã bố trí, sắp xếp rút xuống còn 88 DN và theo đề án trình Chính phủ mới đây, Bộ Quốc phòng rút xuống chỉ còn 17 DN có 100% vốn Nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng tiếp tục yêu cầu các đơn vị quân đội rà soát, bàn giao cho các địa phương phần đất quốc phòng chưa sử dụng ngay để phục vụ phát triển KT-XH. Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, những năm qua, Bộ Quốc phòng đã bàn giao hàng nghìn hécta đất cho các địa phương, trừ những vị trí trọng yếu liên quan đến thế trận phòng thủ.
Cụ thể, từ năm 2004 đến nay đã bàn giao 177ha cho TP Hồ Chí Minh phát triển KT - XH; bàn giao khoảng 10,5ha khác để mở đường giao thông. Riêng ở sân bay Tân Sơn Nhất, trong 10 năm qua Bộ Quốc phòng đã 4 lần điều chỉnh quy hoạch, bàn giao hơn 98ha để làm đường lăn, sân đỗ, khu vực bảo đảm kỹ thuật hàng không… Ngoài ra, Thường vụ Quân ủy Trung ương vừa thống nhất giao tiếp 14ha để mở đường lăn, sân ga ở phía Nam và 6ha để thành phố mở rộng đường, giảm tải cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Về đề nghị mở tuyến đường song song với đường Cộng Hòa của thành phố, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, Bộ Quốc phòng đã thống nhất, Bộ GTVT và TP Hồ Chí Minh cần bắt tay vào làm ngay để sớm giải quyết ách tắc giao thông của sân bay.
Về sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và Long Biên, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, ngay từ đầu năm, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo dừng toàn bộ các hoạt động xây dựng dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu biệt thự, căn hộ cho thuê ở 2 sân golf này. Quan điểm của Bộ Quốc phòng là sẵn sàng thu hồi đất sân golf nếu Chính phủ yêu cầu. Tuy nhiên, việc thu hồi phải đúng pháp luật và cần cân nhắc đến lợi ích chính đáng của doanh nghiệp đã đầu tư vào đây.