(Congannghean.vn)-Trong điều kiện nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay, quyết liệt chống lãng phí, thất thoát vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhằm đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả, đúng quy định của pháp luật... là một trong những giải pháp quan trọng giúp Nghệ An góp phần thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu đầu tư công.
Theo số liệu của Thanh tra tỉnh Nghệ An, trong năm 2016, Thanh tra tỉnh đã tiến hành 116 cuộc thanh, kiểm tra tại 485 đơn vị, trong đó đã ban hành 115 cuộc. Qua thanh tra phát hiện sai phạm tại 296 đơn vị với số tiền 31.860 triệu đồng. Theo đó, đã xử lý 30.494 triệu đồng, thu hồi về ngân sách 12.230 triệu đồng. Riêng trong quý I năm 2017, Thanh tra tỉnh cũng đã tiến hành 17 cuộc tại 23 đơn vị. Qua đó, đã phát hiện sai phạm tại 18 đơn vị với số tiền 398,43 triệu đồng. Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh đã xử lý 142 triệu đồng (đã thu hồi về ngân sách 48 triệu đồng; đã giảm giá trị quyết toán, giảm cấp phát vốn 93 triệu đồng). Trong quá trình thanh, kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện các biểu hiện sai phạm khác nhau trên các lĩnh vực.
Đơn cử như tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh tra đã tiến hành thanh tra 21 công trình, hạng mục do Sở cùng các đơn vị trực thuộc được giao thực hiện làm Chủ đầu tư xây dựng trong 2 năm 2014 - 2015. Qua thanh tra cho thấy, bên cạnh những ưu điểm trong quá trình thực hiện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn tồn tại hạn chế, sai phạm. Về hồ sơ, thủ tục, một số hồ sơ công trình do các đơn vị trực thuộc Sở làm chủ đầu tư thiếu nhật ký thi công, thủ tục bảo lãnh và bảo hành công trình. Điển hình như tại Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú, quy trình, hồ sơ thực hiện gói thầu làm đường bê tông (giá trị 99.900.000 đồng do HTX xây dựng Thành Công thi công) chưa đúng với quy định về đầu tư xây dựng cơ bản (thiếu thiết kế, dự toán).
Cần nâng cao hiệu quả giám sát tại các công trình sử dụng vốn xây dựng cơ bản |
Hay tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh thuê thẩm định giá một số thiết bị để xây dựng Trạm biến áp tại thời điểm sau khi công trình đã bàn giao, đưa vào sử dụng là không đúng quy trình, thủ tục. Đoàn Thanh tra cũng phát hiện một số sai phạm về khối lượng công trình, dự án được thực hiện. Theo đó, qua kiểm tra khối lượng xây lắp của 18 công trình, hạng mục cho thấy cả 18/18 công trình quyết toán sau khối lượng với tổng giá trị là 289.259.000 đồng. Cụ thể như: Cắt giảm giá trị quyết toán vốn đầu tư hoàn thành (đối với công trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán) hay cắt giảm giá trị quyết toán A - B đối với công trình chưa được cấp có thẩm quyền quyết toán.
Qua công tác thanh tra, ngoài các sở, ngành thì tại các huyện, thành, thị, việc để thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn xảy ra, cần sớm được khắc phục. Những sai phạm chủ yếu như: Lập và phê duyệt dự toán ban đầu chưa chính xác; nhà thầu thi công thiếu khối lượng, sai thiết kế kỹ thuật; thẩm định khối lượng thiết kế công trình chưa chính xác; nghiệm thu và quyết toán sai, áp dụng sai đơn giá, sai mã hiệu định mức xây dựng cơ bản… Tại huyện Hưng Nguyên, căn cứ hồ sơ, tài liệu do các chủ đầu tư cung cấp, Thanh tra tỉnh tiến hành kiểm tra trực tiếp việc nghiệm thu, quyết toán khối lượng xây lắp của 65 gói thầu xây lắp thực hiện trong năm 2014, 2015. Qua đó, đã phát hiện 64/65 gói thầu có sai phạm với tổng giá trị sai phạm phát hiện chính qua thanh tra là 795.326.272 đồng.
Bên cạnh thất thoát vốn đầu tư, tình trạng lãng phí nguồn vốn cũng cần được siết chặt, kiểm tra. Thực trạng dự án đầu tư vượt quá khả năng thực tế, không tập trung đủ nguồn lực nên dẫn đến không có khả năng thực hiện hoặc kéo dài quá lâu... đã tồn tại nhiều năm nay, khiến nhiều công trình đầu tư "đắp chiếu", không phát huy được hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư. Vì thế, nếu không hành động quyết liệt để chấn chỉnh việc sử dụng nguồn vốn này, cũng như đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật thì không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối tài chính quốc gia.
Chống thất thoát vốn xây dựng, nâng cao hiệu quả đầu tư đã trở thành quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua. Chính phủ đã khẳng định chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm để các ngành, địa phương thực hiện.
Trong khi đó, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản rất rộng, thời gian triển khai thường kéo dài, liên quan đến nhiều khâu, nhiều cơ quan, ban, ngành quản lý, phê duyệt, nhiều đơn vị tham gia thi công, trong khi đó cán bộ quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tiền tệ và các chủ thể thị trường như chủ đầu tư, quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu, nhà cung cấp, kế toán, kiểm toán, chuyên viên giá… ở một số đơn vị vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với Nhà nước và các cơ quan chức năng là cần hoàn thiện nhanh chóng hệ thống pháp luật về xây dựng cơ bản, kịp thời phát hiện và bịt kín những sơ hở, thiếu sót trong quản lý đầu tư xây dựng, tránh bị thất thoát; đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa sai phạm tại các đơn vị, địa phương.
.