Kinh tế xã hội
Siết chặt quản lý rượu
08:59, 15/03/2017 (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ban hành Chỉ thị 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu.
Theo đó, để chủ động giảm thiểu các thiệt hại do ngộ độc thực phẩm gây ra, bảo đảm an toàn tính mạng người tiêu dùng và tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh rượu trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Công điện số 371/CĐ-TTg ngày 10/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả các vụ ngộ độc rượu, tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu tăng cường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm.
Trước đó, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, dự thảo Nghị định mới về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu để thay thế Nghị định 94/2012/NĐ-CP (Nghị định 94) đang được Bộ Công Thương hoàn thiện và sớm trình Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Theo Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), dự thảo Nghị định thay thế vẫn kế thừa những quy định còn phù hợp của Nghị định 94, đồng thời có sửa đổi, bổ sung một số nội dung, trong đó, có việc siết chặt quản lý đối với hoạt động sản xuất rượu thủ công, bán lẻ rượu và bán rượu tiêu dùng tại chỗ.
Cụ thể, đối với hoạt động sản xuất rượu thủ công, dự thảo nghị định thay thế vẫn giữ nguyên 3 hình thức sản xuất rượu thủ công như trong Nghị định số 94, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm quản lý chặt chẽ, có hiệu quả hơn. Theo đó, đối với sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, vẫn thực hiện cấp giấy phép nhưng đơn giản hóa thủ tục để tăng tỷ lệ số cơ sở sản xuất được cấp phép. Với rượu thủ công để bán cho các cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại, không thực hiện cấp giấy phép nhưng có quy định điều kiện hoạt động, như phải có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp; không được bán rượu cho tổ chức, cá nhân không phải là doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp đã ký hợp đồng mua bán để chế biến lại.
Trường hợp không bán rượu cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.
Phan Trang
Nguồn: Phan Trang/Chinhphu.vn