Kinh tế xã hội

Siết chặt quản lý bến bãi kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng

15:35, 14/03/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hiện nay, hoạt động kinh doanh, trung chuyển, tập kết vật liệu xây dựng (VLXD), chủ yếu là cát, sỏi... tại các bến bãi trên tuyến giao thông thủy nội địa ngày càng sôi động. Thế nhưng, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động bến bãi của nhiều chủ cơ sở trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Thực trạng trên không chỉ gây mất TTATGT đường thủy, làm gia tăng hành vi vi phạm quá tải trên đường bộ mà còn ảnh hưởng đến tình hình ANTT của địa phương.

Một bãi tập kết cát, sỏi không phép trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Đình Nguyên
Một bãi tập kết cát, sỏi không phép trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Đình Nguyên

Siết chặt quản lý

Theo thống kê, Nghệ An có 13 con sông lớn, nhỏ với tổng chiều dài hơn 1.000 km (trong đó sông do tỉnh quản lý gần 130 km và cấp huyện quản lý là 751 km). Do đặc thù tuyến đường thủy nội địa ở tỉnh ta khá đa dạng, phức tạp nên công tác quản lý của các cấp, ngành chức năng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động kinh doanh, tập kết cát, sỏi tại các bến bãi không phép.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 5445/QĐ-UBND-NC ngày 25/11/2015 về việc kiểm tra, xử lý vi phạm các hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi trên tuyến sông Lam. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tế hiện nay, hầu hết cát, sỏi khai thác trái phép đều được tập kết tại các bến bãi “chui” nên công tác quản lý các bến hàng hóa tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn cũng được siết chặt.

Tính đến đầu tháng 1/2017, toàn tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh có 74 bến thủy nội địa chuyên tập kết, kinh doanh cát, sỏi. Trong đó 19 bến đã được cấp phép hoạt động theo quy định, 1 bến có giấy phép mở bến thủy nội địa hết hạn vào tháng 1/2016, 13 bến có giấy phép mở bến thủy nội địa nhưng hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền, 2 bến có giấy phép mở bến thủy nội địa nhưng vi phạm hành lang ATGT cầu Nam Đàn, 3 bến có giấy phép mở bến thủy nội địa nhưng cấp phép sai thẩm quyền.

Được biết, từ năm 2005, việc cấp phép hoạt động cho các bến hàng hóa được UBND tỉnh phân cấp cho UBND huyện. Thế nhưng, quy trình và thủ tục cấp phép ở nhiều địa phương mang tính tùy tiện. Đơn cử như nhiều cơ sở không có đầy đủ giấy tờ về thủ tục thuê đất với mục đích kinh doanh, sơ đồ vùng nước bến và luồng vào bến...

Trước tình trạng trên, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị các huyện báo cáo việc quản lý, cấp phép mở bến cát. Được biết, theo quy hoạch năm 2012 của UBND tỉnh, Nghệ An chỉ có 3 điểm tập kết cát, sạn ở TP Vinh, huyện Nam Đàn và huyện Đô Lương. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, việc điều chỉnh quy hoạch; đồng thời, hướng dẫn các huyện, các chủ bến cát lập hồ sơ để được cấp phép lại theo đúng quy trình mà Sở phối hợp với các cơ quan khác tiến hành là việc làm cần thiết.

Vẫn còn sai phạm

Liên quan đến những sai phạm trong hoạt động kinh doanh, tập kết VLXD trên địa bàn tỉnh, tháng 12/2016, tại huyện Tương Dương, sau khi được UBND tỉnh cho phép tận thu cát, sỏi trong phạm vi lòng hồ Nhà máy thủy điện Khe Bố dùng làm VLXD thông thường để xây dựng khu tái định cư của dự án này tại xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, Ban quản lý dự án thủy điện Khe Bố đã hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Trường Vinh để tiến hành việc khai thác. Tuy nhiên, quá trình khai thác lại xuất hiện nhiều dấu hiệu sai phạm.

Hầu hết số cát, sỏi khai thác đều phục vụ các dự án xây dựng khác, như Công ty Sông Đà 4 xây dựng thủy điện Khe Ang, Công ty Sông Đà 2 xây dựng một số hạng mục ở khu vực Bản Vẽ, dự án đường Khe Kiền - Na Ngoi... mà không hề liên quan đến các khu tái định cư của Dự án Nhà máy thủy điện Khe Bố. Về khối lượng khai thác cũng có nhiều dấu hiệu bất minh khi theo quy định, đơn vị này chỉ được phép khai thác 7.000 m3 nhưng theo phản ánh, hàng ngày có hàng chục chuyến xe của nhiều đơn vị xây dựng trên địa bàn huyện Tương Dương ra vào các bến cát của đơn vị này.

Đáng lưu ý, vào thời điểm nói trên, Công ty Trường Vinh sở hữu 3 bến tập kết cát với quy mô khá lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại tự ý thuê đất của người dân để mở các bến trên mà không thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như không có bất kỳ thủ tục nào của cơ quan chức năng...

Còn tại huyện Thanh Chương, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều bến cát trái phép hoạt động cả ngày lẫn đêm. Đơn cử như dọc bờ sông tại địa phận thị trấn Dùng, hàng ngày có hàng trăm chiếc xe tải ồ ạt vào bến lấy cát đưa đi tiêu thụ. Theo tìm hiểu, bến cát này chưa được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa và mọi hồ sơ, thủ tục đang được xem xét, hoàn thiện.

Cũng trên địa bàn huyện Thanh Chương, tại nhiều bến cát không phép nằm ngay sát bờ sông Lam, nhiều người dân còn xây dựng nhà cửa kiên cố để phục vụ sinh hoạt, đồng thời là điểm thu lệ phí xe vận tải xuất bến. Trên thực tế, tình trạng khai thác, vận chuyển, tập kết cát sỏi với khối lượng lớn trên bãi sông và hành lang bảo vệ đê không chỉ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ bãi, mất an toàn đê điều mà còn ảnh hưởng lớn tới tình hình ANTT trên địa bàn.

Trước những bất cập trên, vừa qua, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đã giao Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I xây dựng phương án triển khai đại diện cảng vụ đường thủy tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đặc biệt là các địa phương ven sông từng bước đưa hoạt động tại các cảng, bến thủy vào nề nếp. Qua đó, góp phần thiết lập lại trật tự hoạt động của các bến bãi ven sông chuyên kinh doanh, tập kết VLXD trên địa bàn.

Thùy Dương

Các tin khác