Kinh tế xã hội

Mở rộng đối tượng được vay vốn ngân hàng

11:04, 14/03/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Để tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng tiếp cận các dịch vụ ưu đãi, nhiều đối tượng đã được tiếp cận, vay vốn ngân hàng. Trong đó, đáng chú ý như người chấp hành xong bản án, sinh viên được vay mua phương tiện cá nhân… là những điểm mới trong cơ chế tín dụng được cho phép ngân hàng áp dụng.

Người chấp hành xong bản án sẽ được vay vốn ngân hàng
Người chấp hành xong bản án sẽ được vay vốn ngân hàng

Theo Thông tư 44/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành, hướng dẫn chính sách đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù thì ngoài việc người vừa chấp hành xong án phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp được hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; được hưởng chính sách nội trú đối với đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu tham gia đào tạo trình độ sơ cấp dưới 3 tháng.

Ngoài ra, người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm. Theo hướng dẫn này, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn đào tạo nghề nghiệp được vay vốn theo quy định tại Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên và các văn bản hướng dẫn.

Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm được vay vốn theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm và các văn bản hướng dẫn. Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội địa phương, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND cấp tỉnh sử dụng các nguồn tín dụng khác để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù phát triển sản xuất, tạo việc làm. Trường hợp người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc đối tượng quy định tại các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì cũng được hỗ trợ vay vốn theo quy định của pháp luật.

Cũng liên quan đến chính sách cho vay mới của ngành ngân hàng, tại Thông tư 43/2016/TT-NHNN về quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước quy định: Công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua (mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao; chi phí sửa chữa nhà ở), sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100 triệu đồng. Mức tổng dư nợ quy định tại khoản này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản đảm bảo cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.

Từ ngày 15/3, Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng cũng quy định, tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vay vốn như: Để mua vàng miếng; để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm; để trả nợ khoản nợ vay tài chính mà tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình; để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác…

Cũng theo Thông tư này, tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về lãi suất cho vay, mà không có mức trần lãi suất cho vay cụ thể như trước đây. Với trường hợp vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam, tổ chức tín dụng và khách hàng cũng được thỏa thuận về lãi suất nhưng không vượt quá lãi suất cho vay tối đa do Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.

Hà Thành

Các tin khác