Kinh tế xã hội
Thay đổi mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động
(Congannghean.vn)-Môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng quyết định kết quả thu hút vốn đầu tư và sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Vì vậy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một vấn đề thiết yếu của bất kỳ quốc gia, địa phương nào muốn tăng trưởng kinh tế và phát triển.
Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm, nhất là trong những năm gần đây. Ý thức tầm quan trọng của cải thiện môi trường đầu tư với sự phát triển của tỉnh nhà, Nghệ An đã thực hiện nhiều đổi mới, cải cách trên nhiều lĩnh vực, từng bước thay đổi để tạo dấu ấn đối với các DN trong và ngoài nước.
Nhiều năm qua, Nghệ An đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn (Trong ảnh: Lãnh đạo Trung ương và địa phương tham dự lễ động thổ, triển khai dự án lớn trên địa bàn) |
Thông tin về Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI mới được công bố thu hút sự quan tâm đặc biệt của các địa phương trong nước mấy ngày gần đây. Bởi đây được xem là thước đo để đánh giá và xếp hạng hiệu quả vận hành của bộ máy chính quyền trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển DN.
Theo đó, Nghệ An đã có sự thay đổi thứ hạng một cách đáng kể - kết quả của một quá trình Đảng bộ, UBND tỉnh và người dân Nghệ An đồng lòng nỗ lực. Cụ thể, năm 2016, Nghệ An có tổng điểm đạt 59,45, xếp thứ 25, tăng 7 bậc so với năm 2015 và là chỉ số cao nhất từ trước đến nay. Một số chỉ số tăng cao như: Gia nhập thị trường (từ 8,63/2015 lên 8,90/2016), tính năng động của chính quyền (từ 4,48/2015 - 5,00/2016), tính minh bạch (từ 6,37/2015 lên 6,42/2016). Trong tổng số 10 chỉ số, Nghệ An đã có 6 chỉ số tăng so với năm 2015.
Báo cáo PCI 2016 dựa trên thông tin phản hồi từ 11.600 DN, trong đó có hơn 10.000 DN dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành và gần 16.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. |
Có thể thấy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc để trong nhiệm kỳ phải tạo được chuyển biến thực sự về môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chương trình hành động về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh những yếu tố về vị trí, điều kiện địa lý, điều kiện khí hậu, tự nhiên, khoảng cách tới thị trường, cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí, tay nghề...
Bên cạnh nghiên cứu, ban hành những cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ nhà đầu tư như: Ưu đãi về thuế và đất đai; hỗ trợ giải phóng mặt bằng; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ngoài hàng rào dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế; hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động; hỗ trợ các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống; hỗ trợ đầu tư đối với các cơ sở lưu trú; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, gặp mặt, đối thoại với DN, thay đổi phương pháp thu hút đầu tư... tỉnh đã xác định tầm quan trọng, tính cấp thiết cần phải cải thiện chỉ số PCI, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp và chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện.
Bởi, ngoài những yếu tố về vị trí, điều kiện địa lý, điều kiện khí hậu, tự nhiên, khoảng cách tới thị trường, cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí, tay nghề... thì chính sách và sự điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc định hình môi trường đầu tư thông qua tác động của nó đến giá thành, rủi ro và các yếu tố ảnh hưởng đến cạnh tranh như: Mức độ đảm bảo các quyền về tài sản, các phương thức điều tiết và nộp thuế, cung cấp cơ sở hạ tầng, sự vận hành của thị trường lao động và tài chính, cả những vấn đề có liên quan của công tác quản trị như vấn đề tham nhũng, hệ thống thể chế và việc thực hiện các thể chế đó…
Sự gia tăng các dự án lớn qua từng năm, nhất là các dự án FDI, những hội nghị xúc tiến đầu tư với nhiều bản cam kết giữa Nghệ An và các DN trong và ngoài nước đã khẳng định nỗ lực và quyết tâm của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui về sự thay đổi thứ hạng trong năm qua, cũng cần phải đánh giá những mặt còn tồn tại, hạn chế. Một số chỉ số có giảm như tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng… Trong đó, chỉ số về chi phí thời gian, chi phí không chính thức và dịch vụ hỗ trợ DN cũng chưa cao. Cũng có ý kiến cho rằng, trong quá trình tiếp xúc, làm việc, lãnh đạo cấp trên thì “trải thảm” còn một bộ phận công chức vẫn còn có lối mòn trong tiếp xúc với DN. Do vậy, trong thời gian tới, từng cơ quan đơn vị cần phải quyết liệt hơn nữa trong điều hành công việc ngay chính tại đơn vị mình.
Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng, đó là văn hóa công sở. Bản thân từng cán bộ công chức phải có sự điều chỉnh cho phù hợp, bắt đầu từ tác phong làm việc chuyên nghiệp đến môi trường làm việc phải cởi mở, thân thiện và mến khách, tạo không khí công sở trở nên gần gũi hơn với cộng đồng DN và người dân.
Để tạo nên một môi trường đầu tư kinh doanh tốt không phải một sớm một chiều và cũng không phải là bất biến, năm trước tốt thì năm sau cũng sẽ được đánh giá cao. Quyết tâm chính trị có rồi, vì thế, muốn tiếp tục cải thiện cần đòi hỏi sự chung tay góp sức hoạt động đồng bộ của cả bộ máy chính quyền. Đó là sự liên kết - phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan từ trên xuống dưới, của từng bộ phận cán bộ công chức và của chính DN cũng như người dân - những mắt xích quan trọng trong quy trình vận hành hành chính công.
Mai Hậu