Kinh tế xã hội

Gia tăng các vụ cháy, nổ nghiêm trọng

Doanh nghiệp, hộ gia đình còn xem nhẹ công tác PCCC

08:12, 30/03/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Vụ cháy lớn tại Công ty may Kwong Lung - Meko thuộc Khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ trong những ngày vừa qua thực sự là nỗi ám ảnh về những hậu quả do cháy, nổ gây ra. Đây được xem là vụ cháy nghiêm trọng nhất và thời gian chữa cháy kéo dài nhất từ trước đến nay tại đồng bằng Sông Cửu Long với 4 ngày chữa cháy. Đám cháy bùng phát từ ngày 24/3 và tiếp tục cháy trở lại, lực lượng Cảnh sát PC&CC liên tục phải nhờ chi viện từ nhiều tỉnh lân cận và luôn có lực lượng, phương tiện theo dõi xuyên suốt trong những ngày qua. Chỉ đến chiều 27/3, ngọn lửa mới được khống chế, thiệt hại ước tính trong vụ cháy này khoảng 13 triệu USD.

Lực lượng PC&CC triển khai chữa cháy tại ki-ốt trong chợ Nghi Phú
Lực lượng PC&CC triển khai chữa cháy tại ki-ốt trong chợ Nghi Phú

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước xảy ra trên 980 vụ cháy, nổ; làm chết 45 người, bị thương 62 người, thiệt hại về tài sản lên tới hàng trăm tỉ đồng. Trong đó có rất nhiều vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, nhất là cháy nhà dân, cháy khu dân cư. Trong số hơn 900 vụ cháy, có đến 386 vụ cháy nhà dân, làm chết 29 người. Bên cạnh đó, những vụ cháy tại khu công nghiệp cũng diễn biến phức tạp và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản như vụ cháy tại Cần Thơ nói trên.

Theo kết quả điều tra nguyên nhân các vụ cháy trong cả nước, trong số hơn 2.400 vụ cháy, có đến hơn một nửa vụ cháy nguyên nhân do sự cố hệ thống và thiết bị điện. Ngoài ra, gần 30% vụ cháy do sơ suất trong lúc sử đụng điện, lửa, xăng dầu… Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa vẫn là xuất phát từ sự chủ quan, thiếu ý thức trong việc chấp hành các quy định phòng, chống cháy, nổ của người dân cũng như chủ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Tại Nghệ An, từ 16/12/2016 - 16/2/2017 đã xảy ra 17 vụ cháy, 22 vụ bén cháy, riêng địa bàn TP Vinh có 5 vụ cháy và 19 vụ bén cháy, trong đó có nhiều vụ cháy diễn ra tại nhà dân. Lực lượng Cảnh sát PC&CC đã kịp thời giải cứu những nạn nhân bị mắc kẹt như 2 vụ cháy tại đường Đinh Công Tráng, TP Vinh.

Theo ghi nhận tại hiện trường, trong số những vụ cháy nhà dân xảy ra trên địa bàn vừa qua, hầu hết nguyên nhân do người dân bất cẩn trong quá trình đun nấu, thắp hương thờ cúng, hệ thống điện không an toàn… Bên cạnh đó, các vụ cháy ở các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ gây hậu quả nghiêm trọng.

Đa phần các đám cháy khi được phát hiện đều là cháy nhỏ, nhưng do các chủ cơ sở kinh doanh thiếu kỹ năng tổ chức chữa cháy kịp thời nên các đám cháy đã phát triển và lan rất nhanh. Vì vậy, công tác tổ chức chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Vụ cháy tại cơ sở thu mua phế liệu ở dãy nhà kho đường Lê Huân, phường Hồng Sơn gần chợ Vinh là một ví dụ.

Mặc dù đã được dập tắt nhưng ngọn lửa liên tục bùng phát trở lại do toàn bộ nguyên, vật liệu bên trong là chất dễ cháy. Vụ cháy xảy ra vào ban đêm, chủ cơ sở không có mặt, chỉ có bảo vệ nên việc xử lý ban đầu rất hạn chế. Không chỉ vụ cháy này mà hầu hết các vụ cháy đều xảy ra vào ban đêm, vắng mặt chủ cơ sở, lực lượng Cảnh sát PC&CC buộc phải phá cửa để tiếp cận hiện trường.

Thực tế đã chứng minh, công tác PCCC có hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào công tác xử lý ban đầu và dựa vào phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Tuy nhiên, đa phần người đứng đầu, chủ cơ sở kinh doanh, nhất là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ không chú trọng tới công tác PCCC.

Hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được về công tác PCCC&CNCH thì việc thực hiện các quy định về an toàn PCCC của người đứng đầu cơ sở, hộ gia đình vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sót nhất định.

Qua đánh giá công tác quản lý Nhà nước về PCCC cho thấy, một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC, chưa nhận thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Ở một số địa phương, cơ sở chưa thực sự quan tâm đầu tư cho công tác PCCC. Hầu hết các lỗi vi phạm đều thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu như sử dụng sai công năng so với thiết kế ban đầu, tự ý cải tạo, cơi nới mở rộng sản xuất; không thực hiện tốt việc phòng ngừa nên thiếu chủ động trong việc xử lý, ngăn chặn cháy, nổ, có nơi còn thực hiện mang tính chất đối phó.

Việc tổ chức kiểm tra được tiến hành theo từng tháng, chuyên đề, tuy nhiên, các đợt kiểm tra an toàn cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ vẫn còn ít. Trên thực tế, hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, doanh nghiệp tư nhân và các hộ gia đình. Một số cơ sở, doanh nghiệp không chấp hành hoặc chấp hành hình thức xử phạt chưa nghiêm túc. Công tác xử lý vi phạm hành chính chưa thực sự hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về PCCC. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc còn gặp nhiều khó khăn.

Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác chấp hành các quy định an toàn về PCCC đối với mỗi người dân, nhất là người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình nhằm phát huy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH thì việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Qua đó, để họ thấy được tác hại to lớn do cháy, nổ gây ra và kịp thời khắc phục những thiếu sót, sơ hở về PCCC, đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Anh Quân

Các tin khác