Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201702/nghe-may-tre-dan-o-ban-diem-xa-chau-khe-huyen-con-cuong-tinh-nghe-an-luu-giu-nghe-truyen-thong-cua-nguoi-thai-725123/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201702/nghe-may-tre-dan-o-ban-diem-xa-chau-khe-huyen-con-cuong-tinh-nghe-an-luu-giu-nghe-truyen-thong-cua-nguoi-thai-725123/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Lưu giữ nghề truyền thống của người Thái - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 27/02/2017, 14:34 [GMT+7]
Nghề mây tre đan ở bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An

Lưu giữ nghề truyền thống của người Thái

(Congannghean.vn)-Người dân bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông không ai nhớ nghề mây tre đan có từ bao giờ, chỉ biết đây là một nghề truyền thống của bản. Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, với bao biến cố, thăng trầm, đến nay, nghề mây tre đan đang ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân từng bước được cải thiện bằng chính nghề truyền thống.

Những sản phẩm mây tre đan đa dạng hoa văn và màu sắc được các nghệ nhận tạo nên rất đẹp mắt
Những sản phẩm mây tre đan đa dạng hoa văn và màu sắc được các nghệ nhận tạo nên rất đẹp mắt

Từ trung tâm xã Châu Khê, đi khoảng 10 km đường đất đá gồ ghề, chúng tôi đến bản Diềm, một bản vùng sâu biên giới Việt - Lào, nơi sinh sống của đồng bào người Thái, người Đan Lai. Khi chúng tôi vào thăm bản Diềm thì tại đây nhóm mây tre đan đang làm việc rất hăng say, nhiều mẫu hoa văn mới được đưa ra thảo luận để đan. Đến với bản Diềm, thấy nhà nhà, ai ai cũng làm nghề, tay mành, tay nan thoăn thoắt, tạo ra những sản phẩm xinh xắn là những chiếc rá, chiếc rổ, chiếc mâm, cái up xôi... mới thấy hết được nghệ thuật đan lát, bàn tay khéo léo của người dân nơi đây.

Người đầu tiên mạnh dạn duy trì và nghiên cứu thêm những hoa văn dựa trên các tấm thổ cẩm ngày xưa rồi đưa các hoa văn đó ứng dụng trong nghề mây tre đan là bà Vi Thị Nội, từ đó sản phẩm phong phú, đa dạng hoa văn hơn. Bà Vi Thị Nội cho biết: “Văn hoa đầu tiên tôi sưu tầm được là đao tèm, có nghĩa là ngôi sao. Bây giờ sưu tầm được 12 hoa văn rồi. Thổ cẩm may bằng kim chỉ dễ hơn, còn đan thì khó lắm. Trước đây mỗi ngày chỉ đan được 1 chiếc rá, bây giờ được 4 chiếc/ngày rồi. Đồng bào ở đây luôn muốn lưu giữ giá trị tốt đẹp mà ông cha để lại, duy trì và phát triển nghề mây tre đan”.

Với sự phát triển của nghề mây tre đan ở đây đã cho thu nhập hơn 3 triệu/người/tháng. Nhờ vậy mà trong bản ngày một đông người xin gia nhập tổ mây tre đan để kiếm thêm thu nhập. Chị Lang Thị Hoa, Trưởng nhóm mây tre đan bản Diềm cho biết: “Nghề nay duy trì ở đây lâu đời rồi, nhưng câu lạc bộ thì mới được thành lập từ tháng 6/2013, hiện có 22 thành viên, đều là người trong bản, người già cao tuổi neo đơn, không đi lao động ngoài trời được. Người nhiều tuổi nhất là ông Vi Văn Duyên, 81 tuổi, ít tuổi nhất là 52 tuổi, nay có cả những người ngoài việc làm đồng áng còn tranh thủ tham gia vào tổ nghề đan lát để kiếm thêm thu nhập”.

Khi tham gia nhóm, ngoài việc tạo thêm thu nhập, các thành viên còn hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống thường ngày, tình làng nghĩa xóm được gắn kết hơn. Đặc biệt, nhóm đã thành lập quỹ Tương trợ. Hàng tháng, sau khi quyết toán tiền công, mỗi người sẽ đóng góp 20.000 đồng vào quỹ. Quỹ này sẽ lần lượt cho các thành viên trong nhóm vay để phát triển sản xuất hoặc giải quyết các công việc khó khăn trong gia đình.

Qua quan sát và tìm hiểu nghề mây tre đan, để làm nên một sản phẩm đối với người thợ đó là cả một nghệ thuật. Những cây tre đem về phải mang cắt thành từng đoạn ngắn, sau đó chẻ ra thành những chiếc nan có độ dài từ 30 - 40 cm. Đặc biệt, tre phải chẻ bằng tay rồi đem phơi khô. Một khâu đặc biệt quan trọng là nhuộm. Các thanh nan được người dân làm nghề nơi đây nhuộm bằng vỏ cây săng, nhờ vậy đã tạo nên những sản phẩm đa màu sắc, vừa đẹp, vừa bền.

Theo ông Nguyễn Ngọc Luyến, Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết: “Hiện tại, xã đang làm hồ sơ thành lập hợp tác xã. Cả huyện chỉ có nhóm mây tre đan này thôi. Sản phẩm làm ra không đủ để bán. Trước mắt khó khăn thì nhiều, xã đang đề nghị huyện hỗ trợ máy vót nhằm xây dựng một hợp tác xã phát triển có quy mô và đưa sản phẩm vươn xa hơn nữa”.

.

Trường Khuyên

.