Kinh tế xã hội
Giảm hẳn tình trạng nhảy việc sau tết
Sau Tết Nguyên đán là thời điểm sự dịch chuyển lao động diễn ra mạnh mẽ nhất trong năm. Nhiều bạn trẻ nhảy việc tìm kiếm cơ hội mới để thử thách bản thân hoặc mong muốn có thu nhập khá hơn, môi trường làm việc dễ thăng tiến. Tuy nhiên, năm nay tình trạng này đã giảm hẳn.
Bấm Play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh
Năm nào thời điểm sau Tết Nguyên đán cũng là thời gian các chủ doanh nghiệp nơm nớp lo lắng lao động bỏ việc, nhảy việc ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, năm nay tình trạng nhảy việc giảm hẳn, hầu hết các địa phương trên cả nước đều quay trở lại sản xuất ổn định ngay sau Tết.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: "Năm 2017 tình trạng nhảy việc rất là ít và hầu như là đến 95 và có doanh nghiệp đến 98% lao động quay trở lại doanh nghiệp quay trở lại làm việc bởi vì thực ra chế độ giữa lương, thưởng để giữ chân người lao động bây giờ của các doanh nghiệp đã hiểu được nên người lao động sẽ quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết dài ngày".
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nhảy việc được hạn chế là do các công ty, doanh nghiệp đã có những chính sách giữ nhân người lao động, khiến họ hào hứng trở lại làm việc.
Mặc dù tình trạng nhảy việc đã giảm, nhưng với thực tế đa số người lao động, công nhân hiện nay tuổi đời còn rất trẻ thì việc nhảy việc có lẽ không tránh khỏi. Với lao động trẻ thì nhảy việc được cho là cơ hội thay đổi môi trường làm việc, có mức lương cao hơn và hơn hết là được trải nghiệm bản thân.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, thực tế có trường hợp doanh nghiệp ở cùng ngành nghề, lĩnh vực “lôi kéo” nhân công có năng lực, chuyên môn kỹ thuật của đối thủ bằng cách đưa ra các chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Vì vậy, chính sách của doanh nghiệp mới chính là điều giữ chân người lao động, và như vậy mới có thể duy trì một lực lượng lao động ổn định, làm việc hiệu quả.
Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: "Thời gian tới thì tôi nghĩ rằng có lẽ có 2 biện pháp trực tiếp và cần thiết phải làm để hạn chế việc nhảy việc đó là chúng ta phải xem xem người lao động đang nghĩ gì, đang mong muốn gì đối với công việc mà người ta đang làm và thứ hai nữa là chúng ta xem chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động đã tốt hay chưa. Đây là 2 cái quan trọng nhất để quyết định người lao động có gắn bó với doanh nghiệp hay không gắn bó".
Người lao động nhảy việc chủ yếu để tìm một công việc tốt hơn, lương cao hơn, vì vậy, doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình một chiến lược thu hút, giữ chân người lao động làm việc lâu dài, có như vậy việc sản xuất kinh doanh mới đạt hiệu quả cao nhất, và doanh nghiệp cũng không phải “đau đầu” sau mỗi kỳ nghỉ lễ.
Nguồn: ANTV