Kinh tế xã hội
Phát triển du lịch tâm linh: Xứng tầm xứ Nghệ
(Congannghean.vn)-Du lịch tâm linh và du lịch văn hóa đang là xu thế phát triển chung của du lịch Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Sự phát triển của loại hình du lịch này không những mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội, văn hóa cho người dân mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho du khách thập phương. Trong những năm qua, với lợi thế về địa lý - lịch sử - văn hóa, Nghệ An đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế về tham quan, tìm hiểu tại nhiều ngôi đền chùa, những địa điểm di tích nổi tiếng.
Đền Cờn, một điểm du lịch hấp dẫn ở TX Hoàng Mai |
Đền Cờn, ngày mồng 2 Tết, khách tứ phương tấp nập. Dù chưa đến ngày khai hội chính nhưng từ trong ra ngoài đền, rất nhiều người dân đến đây thành kính thắp hương cầu mong một năm mới an yên và ấm no.
Theo tục lệ, lễ hội đền Cờn xưa được nhân dân tổ chức hàng năm với mong ước một năm trời yên, biển lặng, đánh bắt nhiều hải sản, cầu lộc, cầu yên; là một sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền mang đậm sắc thái địa phương của ngư dân. Đến nay, nhờ tổ chức quy mô và phát triển đa dạng các hình thức lễ và hội, lễ hội đền Cờn trở thành điểm tham quan không thể thiếu đối với du khách mỗi lần đến Nghệ An vào những dịp đầu xuân…
Tương tự với không gian linh thiêng, trang trọng tại đền Cờn, tại chùa Đại Tuệ, ngay từ những ngày đầu năm mới, người dân khắp nơi đã tập trung về đây cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho bản thân, gia đình và xã hội. Theo sử sách, Đại Tuệ là ngôi chùa cổ nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Chùa Đại Tuệ ghi dấu Phật giáo lâu đời trên vùng đất Nghệ An, non nước điệp trùng, trời mây tụ khí lành, cây cỏ xanh tươi bốn mùa…
Nghệ An có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa được xây dựng từ thời Bắc thuộc như các chùa, đền - chùa Gám, chùa Đại Tuệ, Đồng Bạc, chùa Cổ Am, chùa Ná, chùa Lụi… Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, phong hóa của thời gian nên đa số các chùa ở Nghệ An đã thành phế tích. Những năm gần đây, nhiều chùa đã được trùng tu, phục dựng đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân mà điển hình là công trình phục dựng chùa Đại Tuệ (Nam Đàn); đền - chùa Gám (Yên Thành)...
Anh Nguyễn Quốc Khánh, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm tại Nghệ An cho biết: Hiện, các hãng du lịch khi tổ chức tour cho khách đến Nghệ An đều hướng đến các đền, chùa nổi tiếng như Đền Cờn (Quỳnh Lưu), đền ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên), đền thờ Hoàng đế Quang Trung, đền Hồng Sơn, chùa Cần Linh (TP Vinh), đền Vua Mai (Nam Đàn), đền Bạch Mã (Thanh Chương), Khu di tích Kim Liên, Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Đức Hoàng (Yên Thành). Đây là các tour du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với lễ hội truyền thống, phù hợp với truyền thống văn hóa Á Đông nên được nhiều người lựa chọn và yêu thích. Để đáp ứng nhu cầu du khách và nâng cao chất lượng phục vụ, các công ty lữ hành tại Nghệ An cũng chú trọng đến chất lượng các tour, tuyến, đảm bảo nơi ăn, chốn nghỉ tại mỗi điểm đến của du khách.
Có thể thấy, với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, tỉnh Nghệ An đang trở thành cầu nối giữa các vùng du lịch trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh... Nghệ An là điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại và cũng là điểm khởi đầu của tuyến du lịch hành lang Đông Tây, các chương trình kết nối các di sản như “Hành trình qua các miền Kinh đô cổ”, khám phá hệ thống hang động ở miền Trung (động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới ở Quảng Bình)... đồng thời, Nghệ An còn là điểm trung chuyển du lịch trong cả nước với du lịch nước ngoài, mà trước hết là với các nước: Lào, Thái Lan.
Trong những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của nhân dân, nhiều tuyến đường được nâng cấp và một số dự án hạ tầng được khánh thành đưa vào sử dụng, góp phần rút ngắn thời gian đi lại của các tour du lịch. Sân bay Vinh đã được nâng cấp thành sân bay quốc tế và hiện đang khai thác các tuyến bay quốc tế và trong nước đến TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Liên Khương - Lâm Đồng... Hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, nhà hàng, dịch vụ mua sắm cũng phát triển mạnh mẽ, đủ khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cho khách du lịch khi đến Nghệ An.
Có thể thấy, du lịch tâm linh, lễ hội văn hóa là những yếu tố đảm bảo và thúc đẩy tự do tín ngưỡng: Mở ra sự giao lưu, gặp gỡ mang tính văn hóa tâm linh giữa một số cộng đồng xã hội; cộng đồng tôn giáo quốc gia, quốc tế; giúp con người nâng cao nhận thức về văn hóa tín ngưỡng, lịch sử tâm linh, triết học các tôn giáo. Vì vậy, du lịch tâm linh, lễ hội văn hóa cổ truyền và tự do tín ngưỡng là những giá trị tinh thần liên quan mật thiết với nhau, góp phần thúc đẩy tự do tôn giáo lành mạnh và đích thực.
Hiện, Nghệ An đang tăng cường bảo vệ, phục hồi di tích; huy động các nguồn lực xã hội hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia hoạt động bảo quản, trùng tu… Việc thành lập Sở Du lịch Nghệ An cũng tạo nền tảng để nâng cao tính chuyên nghiệp và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của du khách thập phương mỗi lần đến với xứ Nghệ để hành hương, thưởng ngoạn.
Mai Hậu