Kinh tế xã hội
Góc nhìn đa chiều về tăng thuế môi trường với xăng dầu
11:09, 10/02/2017 (GMT+7)
Trong bối cảnh gia nhập TPP, khi người dân đang mong chờ giá của những sản phẩm thiết yếu như xăng dầu được giảm xuống thì đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường áp dụng với xăng lên đến 8.000 đồng/lít vừa qua của Bộ Tài chính đang gây nhiều lo lắng cho người dân, doanh nghiệp và cả cho cả bức tranh tổng thể của nền kinh tế nói chung.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu của người dân và doanh nghiệp |
Điều này là một biện pháp nhằm để đảm bảo cơ cấu thu ngân sách hợp lý trong bối cảnh gia nhập TPP. Trong số các thuế dự kiến gia tăng, thì mới đây nhất Bộ Tài chính đề xuất về việc tăng khung mức thuế bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng dầu lên đến 3.000 - 8.000 đồng/lít trong dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) lại khiến người dân lo lắng, vì nếu đề xuất được thông qua, thì giá xăng trong thời gian tới sự kiến sẽ tăng cao đột biến.
TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng cam kết trong TPP không trực tiếp liên quan đến giá xăng, nhưng sẽ có tác động tích cực đến lĩnh vực này. Chính vì vậy mà đề xuất tăng thuế môi trường đang làm giảm đi hiệu quả mong đợi của xã hội đối với giá của mặt hàng xăng.
Anh Tuấn (34 tuổi, ngụ tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay “Tôi làm nghề bán lẻ hàng hải sản đông lạnh cho nên khi biết về dự thảo nâng tiền thuế môi trường, tôi đã rất lo lắng. Làm nghề như chúng tôi phải chiều khách lắm, mỗi lần tăng giá thì không được khách hàng họ chấp nhận dễ dàng đâu”.
Dưới góc nhìn kinh tế, vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu cho nên độ co giãn của cầu theo giá là rất thấp. Chính vì vậy mà người dân vẫn chưa có thể hạn chế sử dụng các phương tiện ngay lập tức.
Theo kinh nghiệm điều chỉnh hành vi của người dân xuất phát từ tác động của tăng thuế đối với xăng dầu thì Trung Quốc và Mỹ đã áp dụng nhưng hiệu quả là rất ít. Đối với Trung Quốc xăng tăng giá 1% thì lượng tiêu thụ xăng dầu chỉ giảm 0,196-0,497%, ở Mỹ là 0,26-0,58%...
Chính vì vậy mà khi áp dụng thêm thuế môi trường làm xăng tăng giá thì chi phí của người dân tăng cao theo giá xăng, trong khi đó tác động để cải thiện môi trường thì trong ngắn hạn vẫn chưa thể đảm bảo.
Xét về khả năng cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước thì đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến tất cả các ngành vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào thiết yếu của tất cả các ngành sản xuất.
Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng dầu lên cao sẽ đồng nghĩa chi phí sản xuất tăng, gây đội giá thành cao hơn từ đó làm sức mua hàng hoá giảm xuống. Hậu quả có thể nhận biết đó là việc giảm đi sức cạnh tranh và đó là tiền đề hàng hoá nước ngoài tràn vào, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước.
Ngành bị trực tiếp tác động bởi giá xăng có thể kể đến ngành vận tải. Theo thông tin từ Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm từ 25% - 35% đối với xe chạy xăng, từ 35% - 45% đối với xe chạy dầu, và chiếm khoảng 39,5% đối với hàng không. Vậy nếu với chi phí phụ trội thuế bảo vệ môi trường thì giá xăng thì chi phí nguyên liệu đã phụ trội lên cao ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành.
Bên cạnh đó, một số ngành như thủy hải sản và nông nghiệp, chi phí nhiên liệu và vận chuyển hàng hoá cũng chiếm đến từ 33% - 59% cơ cấu giá thành. Đối với ngành nông nghiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng thường chiếm từ 35% - 40% cơ cấu giá thành.
Vì vậy mà khi thuế môi trường gây ảnh hưởng đến giá xăng sẽ không chỉ làm giảm năng lực cạnh tranh so với hàng hoá nhập khẩu mà còn làm giảm đi tiến độ hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới đối với các ngành này, nhất là trong giai đoạn Việt Nam vẫn trong giai đoạn Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá đất nước.
Nhìn chung, câu chuyện tăng thuế môi trường cho xăng dầu đang là một chủ đề nóng trong cộng đồng xã hội. Để thực hiện vấn đề này mà giảm thiểu được những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội nói chung thì trước khi đề xuất được thông qua, các cơ quan ban ngành liên quan cần đưa ra những giải pháp cho từng lộ trình cụ thể hơn là áp thuế đột ngột vào giá.
Nguồn: Báo CAND