Kinh tế xã hội
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
(Congannghean.vn)-Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao đang là chủ trương được Trung ương cũng như địa phương quan tâm, chỉ đạo, kêu gọi sự liên kết của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Thế nhưng, để nông nghiệp thực sự là “thị trường” thì công tác thu hút đầu tư còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, tháo gỡ.
Hệ thống cảng cá, khu vực neo đậu tàu thuyền trên địa bàn huyện Diễn Châu đang được đầu tư xây dựng |
Cũng như cả nước, với đặc thù là một địa phương có diện tích đất nông nghiệp và lao động vùng nông thôn lớn, trong những năm qua, Nghệ An đã có nhiều bước chuyển mình. Cụ thể, trong bức tranh về tổng cơ cấu giá trị kinh tế, ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng không nhỏ, tốc độ tăng trưởng giá trị của ngành ước đạt trên 4,5%/năm.
Để từng bước tạo nhiều chuyển biến trong ngành sản xuất nông nghiệp, từ năm 2011 đến nay, thông qua sự hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức xã hội, Nghệ An đã thu hút, mời gọi được 35 dự án với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 50 nghìn tỉ đồng. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, so với tỉ lệ cơ cấu các ngành nghề kinh tế của tỉnh, nông nghiệp hiện nay đang là xu thế được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Số dự án lên đến hàng trăm triệu USD đầu tư vào nông nghiệp đang được nhiều tập đoàn kinh tế lớn triển khai trên địa bàn, hứa hẹn một diện mạo mới cho lĩnh vực này.
Qua đó, có thể thấy rằng, một nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng với quy mô lớn đang hình thành ở Nghệ An, tạo giá trị cao trong cơ cấu kinh tế tỉnh nhà. Nhiều dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều khởi sắc như: Tập đoàn chăn nuôi bò sữa TH; Dự án đầu tư chăn nuôi bò thịt và bò giống tại tỉnh Nghệ An; Dự án trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc; Dự án đầu tư trang trại chăn nuôi lợn của Tập đoàn Masan tại huyện Quỳ Hợp… với số vốn đầu tư hàng triệu USD đã và đang đi vào hoạt động. Đây cũng là những dự án đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong thời gian qua.
Công ty sữa Vinamilk đầu tư, phát triển hệ thống trang trại chăn nuôi bò tại xã Đông Hiếu, TX Thái Hoà |
Để “dọn đường” cho việc áp dụng công nghệ cao, “hút” doanh nghiệp vào đầu tư trong ngành nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Nghệ An đã không ngừng quan tâm, đẩy nhanh công tác dồn điền đổi thửa, nhân rộng cánh động mẫu lớn, cho năng suất cao.
Đặc biệt, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp khi tham gia vào đầu tư trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng được triển khai đồng bộ. Hệ thống giao thông nội đồng, thuỷ lợi, đường nguyên liệu mía, chè, cao su… được đầu tư, mở rộng nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa máy móc cơ giới vào nông nghiệp.
Cùng với đó, chính sách bao tiêu sản phẩm, xây dựng bảo hộ thương hiệu độc quyền cho nông sản và các loại hàng hoá nông nghiệp khác được chú trọng. Mối liên kết giữa Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp ngày càng được gắn chặt, bền vững, tạo nhiều tiền đề khả quan cho ngành nông nghiệp.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp của tỉnh nhà đã gặt hái nhiều thành tựu đáng kể. Số dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bắt đầu tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng. Theo kế hoạch, đến năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh nhà sẽ quyết tâm thực hiện tốt 29 dự án chuyển tiếp từ những năm trước và thu hút 23 dự án với tổng số vốn gần 36 nghìn tỉ đồng.
Chính vì vậy, việc triển khai nền nông nghiệp hiện đại và công nghệ cao sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) mà Nghệ An đang hướng tới. Qua đó, công tác giải quyết việc làm, chuyển dịch các ngành nghề kinh tế nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng sẽ sớm cán đích theo kế hoạch mà tỉnh đã đề ra đến năm 2020.
Để nông nghiệp thực sự trở thành thị trường giàu tiềm năng đối với các nhà đầu tư thì Nghệ An cũng cần thực hiện có hiệu quả hơn nữa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị tăng và phát triển bền vững theo Quyết định 6593/QĐ-UBND giai đoạn 2013 - 2020 đã được phê duyệt. Mặt khác, cần tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội vào trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Quyết định 6593/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An cũng xác định: Nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 cũng xác định, toàn tỉnh phải quyết tâm xây dựng, hoàn thiện và phát triển hình thức hợp tác liên kết trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh với sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và các tổ chức xã hội.
Ngoài ra, việc tập trung huy động và thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước tạo điều kiện thúc đẩy, huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ chức và HTX cũng sẽ được quan tâm trong thời gian tới…
Như vậy, chủ trương thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang được triển khai đồng bộ, sâu rộng từ cấp Trung ương đến địa phương, trong đó có Nghệ An. Để làm được điều đó, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần phải quan tâm, tạo nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa để doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này.
Ngọc Thái