Kinh tế xã hội
Xuất khẩu Nghệ An: Những tín hiệu vui
(Congannghean.vn)-Tỏi khô, lá trầu không… là những thực phẩm quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân, nay được “điểm tên” trong các mặt hàng xuất khẩu của Nghệ An tới các quốc gia trên thế giới. Tuy còn khá mới mẻ, chiếm tỉ trọng nhỏ nhưng những sản vật trên đã bước đầu góp phần cải thiện cuộc sống của người nông dân, mở rộng thị trường xuất khẩu xứ Nghệ và từng bước cụ thể hóa mục tiêu về kim ngạch xuất, nhập khẩu của Nghệ An theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII.
Nhiều mặt hàng nông sản Nghệ An đang từng bước xây dựng thương hiệu |
Có thể thấy, trong thời gian qua, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trưởng trên nhiều tiêu chí: Kim ngạch, thị trường, mặt hàng và cả chủ thể tham gia xuất khẩu… Đây được xem là một trong những động lực chủ yếu gia tăng phát triển sản xuất, góp phần ổn định kinh tế - xã hội như giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và đóng góp vào ngân sách tỉnh.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 có bước tăng trưởng đáng kể, từ 483,3 triệu USD năm 2011 lên 705,1 triệu USD năm 2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân 11,14%/năm. Riêng trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 446,77 triệu USD, tăng 11,95% so với cùng kỳ; ước cả năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 567 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Cơ cấu hàng xuất khẩu đã có sự chuyển biến mạnh qua các năm: Nhóm hàng nông - lâm - thủy sản chiếm 73,3% năm 2011 giảm còn 40,8% năm 2015; nhóm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khoáng sản tăng từ 26,7% năm 2011 lên 59,2% năm 2015.
Về thị trường xuất khẩu, trong thời gian qua, Nghệ An từng bước “khai phá” một số quốc gia mới. Nếu như trong năm 2015, thị trường xuất khẩu Nghệ An là 65 quốc gia thì trong năm 2016 vươn tới 72 quốc gia, lãnh thổ. Trong đó, có nhiều thị trường mới như: Oman, Uganda, Tanzania... Một số thị trường đã đạt kim ngạch trên 10 triệu USD. Tiểu biểu là Trung Quốc. Đây được xem là thị trường truyền thống của Nghệ An và dẫn đầu trong nhiều năm về kim ngạch xuất khẩu.
Lũy kế 10 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc xấp xỉ 165.000.000 USD, chiếm 37,55 %. Hay như Lào, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 46,1 triệu USD, chiếm 10,0% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa với sự tham gia của 48 doanh nghiệp; lũy kế 10 tháng năm 2016 đạt 28.000.000 USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là vật liệu xây dựng, hạt nhựa, xăng dầu, cồn, bột mỳ, thủy sản…
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, theo nhu cầu của thị trường và sự biến động của tình hình kinh tế trong khu vực và trên thế giới, mặt hàng xuất khẩu đã có sự thay đổi. Một số mặt hàng khác không có định hướng trong phát triển nhưng lại có kim ngạch xuất khẩu cao như: Điện tử, đồ chơi trẻ em, vật liệu xây dựng, bật lửa ga, nhôm vụn…
Trong khi đó, một số mặt hàng tuy có định hướng nhưng kim ngạch xuất khẩu thấp hoặc không xuất khẩu. Cụ thể như lạc nhân: Mục tiêu đề ra kim ngạch xuất khẩu đạt 25 - 30 triệu USD vào năm 2015. Tuy nhiên, năm 2011 xuất khẩu được 192.000 USD, năm 2012 xuất khẩu 143.000 USD, đến 2013 chỉ 29.000 USD. Các năm tiếp theo không xuất khẩu trực tiếp được. Trong năm 2016, lạc cũng không có mặt trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu do thương lái xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Hay như mặt hàng cao su chỉ xuất khẩu được 3 năm đầu 2011 - 2013 với kim ngạch đạt trung bình khoảng 4 triệu USD. Năm 2014, 2015 không có kim ngạch. Tình hình trên cũng tương tự trong năm 2016.
Điều này đặt ra thách thức cho các cấp quản lý trong việc chủ động nghiên cứu và dự đoán nhu cầu thị trường trong khu vực và trên thế giới. Bởi việc quy hoạch mặt hàng chủ đạo, trọng điểm đòi hỏi nguồn hỗ trợ nhiều mặt về kinh phí, lao động, diện tích…, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và việc sản xuất của người dân.
Có thể thấy, trong thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều yếu tố bất ổn, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn có bước phát triển.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu năm 2015 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đứng ở vị trí thứ 35/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng ở vị trí thứ 3 trong khu vực Bắc Trung Bộ. Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng đã từng bước thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tỉ lệ hàng thô, chưa qua chế biến giảm, tỉ lệ hàng công nghiệp và hàng qua chế biến tăng cao, chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.
Tuy nhiên, xuất khẩu Nghệ An cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một số sản phẩm xuất khẩu truyền thống trước đây như lạc nhân, thủy - hải sản đông lạnh, súc sản chế biến… kim ngạch xuất khẩu ngày càng giảm, thậm chí không có tên trong danh mục hàng xuất khẩu. Nguồn hàng xuất khẩu còn nghèo nàn, kém sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm xuất khẩu chưa đáp ứng yêu cầu của một số thị trường yêu cầu chất lượng cao như Nhật bản, Hoa kỳ, EU... Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nghệ An chưa có (hoặc có nhưng với thị phần không đáng kể) trong danh mục 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Điều này xuất phát từ nguyên nhân, hiện nay, Nghệ An vẫn chưa có vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa xuất khẩu với khối lượng lớn như tại một số vùng, miền.
Mục tiêu mà Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 là kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 850 - 900 triệu USD. Từ nghiên cứu, phân tích dự báo tình hình kinh tế quốc tế, trong nước, đặc biệt là sự tác động của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, cùng với việc xem xét tiềm năng, tốc độ phát triển giai đoạn 2011 - 2015 và nguồn lực phát triển kinh tế của tỉnh, Nghệ An cũng đã xác định 9 nhóm sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chủ yếu và đưa ra những định hướng, giải pháp chiến lược có tầm nhìn giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, Nghệ An, cụ thể là Sở Công thương và các đơn vị liên quan cần xác định rõ những tồn tại cần khắc phục, tích cực thu hút đầu tư vào sản xuất xuất khẩu; tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh nhà. Có như vậy mới từng bước cụ thể và đạt được mục tiêu đặt ra trong thời gian tới.
Mai Hậu