Kinh tế xã hội
Thấu đáo, cụ thể và giải quyết kịp thời
(Congannghean.vn)-Trả lời kiến nghị cử tri là trách nhiệm của người đại biểu Hội đồng các cấp đối với nhân dân. Trong thời gian qua, với sự đa dạng các hình thức tiếp xúc, Đoàn đại biểu HĐND Nghệ An đã kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm, nguyện vọng của người dân trên địa bàn. Tùy vào tính chất của những kiến nghị, có những ý kiến được đại biểu trực tiếp trả lời tại buổi tiếp xúc cử tri, có những ý kiến liên quan đến nhiều cấp, ngành thì sẽ chờ trả lời bằng văn bản trong thời gian sớm nhất.
Theo đó, đã có gần 200 ý kiến cử tri được các cấp, ngành liên quan trả lời và giải quyết. Hầu như lĩnh vực nào cũng được cử tri gửi gắm và mong muốn được xử lý sớm, “thấu tình đạt lý”; từ y tế, giáo dục, những vấn đề dân sinh thiết yếu đến chính sách đầu tư công, quy hoạch đầu tư… Qua theo dõi có thể thấy, về cơ bản, những kiến nghị của người dân đã được UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị giải quyết nhanh chóng, chu đáo và chi tiết nhất có thể.
Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất
Trong số gần 200 ý kiến được các cấp, ngành trực tiếp trả lời bằng văn bản, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm tỉ lệ cao nhất (42 vấn đề). Điều này hoàn toàn phù hợp với cơ cấu kinh tế địa phương, khi nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất mũi nhọn, chiếm tỉ trọng lớn trong GDP. Trong đó, cử tri nhiều địa phương cùng mong muốn tỉnh đề nghị với Trung ương hỗ trợ cho ngư dân Nghệ An bởi tỉnh ta cũng là một trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường xảy ra tại các tỉnh miền Trung.
Quản lý tòa nhà chung cư cao tầng hiện đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận |
Trả lời về vấn đề này, UBND tỉnh đã có thông tin cụ thể: Sau khi có sự cố môi trường biển xảy ra tại các tỉnh miền Trung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Chính phủ đề nghị hỗ trợ cho Nghệ An với kinh phí là 415 tỉ đồng. Tại Hội nghị triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã kết luận: Tỉnh Nghệ An không thuộc đối tượng được hỗ trợ (vì tỉnh chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp sự cố môi trường biển), do đó đề nghị UBND tỉnh căn cứ khả năng ngân sách của địa phương để có chính sách hỗ trợ cho ngư dân nhằm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân vùng biển.
Tại cuộc họp ngày 22/10/2016, bàn về công tác phát triển sản xuất ngành thủy sản, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho các địa phương bị thiệt hại rà soát, kê khai theo 3 nội dung: Số lượng tàu thuyền, thuyền viên (kể cả bè mảng và thuyền không lắp máy); số lượng kho đông lạnh; số diện tích nuôi ngao. Trên cơ sở đó, giao cho Sở NN&PTNT tổng hợp dự trù kinh phí để tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục trình Chính phủ xin nguồn hỗ trợ cho bà con ngư dân.
Trên cơ sở báo cáo của Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường ở các tỉnh ven biển miền Trung cho tỉnh Nghệ An, với tổng số tiền đề nghị hỗ trợ là 194.601.900.000 đồng với 4 nhóm đối tượng: Hỗ trợ một lần cho lao động trên tàu cá khai thác hải sản, cho tàu khai thác hải sản; cho cơ sở thu mua, bảo quản hải sản kho đông lạnh và cho ngư dân nuôi ngao thương phẩm… Để giám sát, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ, UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng môi trường với số tiền 70 tỉ đồng.
Ngoài ra, nhiều vấn đề khác được cử tri gửi gắm như: Cử tri các huyện Yên Thành, Tương Dương (xã Yên Tĩnh), Con Cuông (xã Bồng Khê), Quỳ Châu (các xã Châu Thái, Châu Lý, Châu Cường, Châu Thành), Quế Phong (các xã Quế Sơn, Mường Nọc), Quỳ Hợp đề nghị tỉnh có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; chỉ đạo khảo sát đất của các lâm trường, nông trường, tổng đội thanh niên xung phong, đất rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn để giao cho dân sản xuất và có chính sách ưu đãi đối với những hộ gia đình được giao diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; cử tri huyện Con Cuông đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm sử dụng đất sản xuất làm nhà ở trên đất của Xí nghiệp chè Con Cuông…
Nhiều vấn đề “nóng” sẽ được chất vấn tại Hội trường
Trong thời gian qua, vấn đề quản lý các công trình cao tầng trên địa bàn TP Vinh thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong đó, nổi lên nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với người dân sinh sống tại khu chung cư. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do vậy, cử tri TP Vinh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư các dự án khu đô thị, chung cư trên địa bàn thành phố sớm hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, chung cư.
Trả lời kiến nghị cử tri, theo thông tin từ UBND TP Vinh, đến nay, về cấp Giấy chứng nhận chung cư, hiện nay có 39 nhà chung cư (trong đó có 36 chung cư đã được giao đất, cấp giấy chứng nhận (GCN) và 3 chung cư chủ đầu tư đang hoàn tất thủ tục cấp GCN) với 3.817 căn hộ của 21 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và chủ đầu tư đã chuyển nhượng 3.771/3.817 căn hộ. Về cấp GCN nhà biệt thự, liền kế, chủ đầu tư đã nộp 898 hồ sơ cho UBND TP Vinh và Sở Tài nguyên và Môi trường; trong đó có 635 lô đất đã được cấp GCN cho người nhận chuyển nhượng. Hiện nay, vẫn còn có 1.031 căn hộ được chủ đầu tư chuyển nhượng, nhưng chưa nộp hồ sơ cho UBND TP Vinh để được cấp GCN và còn có khoảng 2.081 lô đất xây dựng biệt thự, nhà liền kế chưa được cấp GCN quyền sử dụng đất. Thời gian tới, tiếp thu ý kiến của cử tri, các cấp, ngành sẽ tập trung phối hợp sớm giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân tại các khu chung cư trên địa bàn.
Ngoài vấn đề quy hoạch đô thị thì vấn đề xã hội hóa và mô hình trường học mới cũng ghi nhận nhiều ý kiến đa chiều của người dân khắp nơi trong tỉnh. Về vấn đề xã hội hóa, UBND tỉnh khẳng định: Trong những năm qua, nhờ thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp đã tích cực đóng góp xây dựng, từng bước nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện cơ chế xã hội hóa giáo dục, một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng theo các văn bản hướng dẫn như đang còn giao chỉ tiêu, mức đóng còn cào bằng, chưa đúng tinh thần tự nguyện, chưa có chủ trương, lộ trình, kế hoạch… cho từng nội dung cần huy động, gây không ít bức xúc cho một số phụ huynh học sinh.
Để trả lời cụ thể những kiến nghị, thắc mắc của cử tri, theo ông Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, vào chiều 15/12, HĐND tỉnh Nghệ An sẽ dành một phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan 3 vấn để nổi lên. Đó là công tác quản lý các công trình cao tầng trên địa bàn; xã hội hóa giáo dục và mô hình trường học mới; những vấn đề liên quan đến quỹ bảo hiểm y tế trên địa bàn. Cử tri hy vọng, các đại biểu sẽ trả lời thẳng vào vấn đề mà người dân quan tâm, chỉ ra những nguyên nhân và hướng giải pháp cụ thể trong thực tiễn, tránh hình thức.
Ngoài những vấn đề thường được đề cập tại các phiên họp cuối năm, Kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa XVII lần này, các đại biểu sẽ quyết nghị một số nội dung quan trọng như: Nghị quyết thành lập Sở Du lịch Nghệ An, Nghị quyết về mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021… Liên quan đến lực lượng vũ trang, có Nghị quyết về lệ phí đăng ký cư trú, lệ phí cấp CMND trên địa bàn và Nghị quyết về mức hỗ trợ thường xuyên cho các chức danh đội trưởng, đội phó và trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng giai đoạn 2017 - 2020…
Mai Hậu