Kinh tế xã hội
Khai trương con đường bằng pin mặt trời đầu tiên trên thế giới
10:06, 26/12/2016 (GMT+7)
Pháp vừa khai trương con đường dùng các tấm pin mặt trời trải dưới đất để cung cấp điện chiếu sáng đầu tiên trên thế giới tại một thị trấn nhỏ ở vùng Normandy.
Đoạn đường dài 1 km với diện tích 2.800 m2, được kỳ vọng sẽ tạo ra lượng điện đủ cho một ngôi làng với dân số 3.000 người sử dụng.
Nhà sản xuất Colas cho biết các tấm pin được phủ một lớp vật liệu chứa các sợi silicon rất mịn, giúp chúng chịu được sức nặng của các phương tiện giao thông. Dự án mất 5 năm để thực hiện, có chi phí khoảng 5 triệu euro và có thể phục vụ 2.000 người tham gia giao thông mỗi ngày.
Quá trình vận hành thử nghiệm sẽ kéo dài trong 2 năm nhằm mục đích nghiên cứu khả năng cấp điện cho hệ thống đèn đường của thị trấn có dân số 3.400 người này.
Đoạn đường dài 1 km với diện tích 2.800 m2 được kỳ vọng sẽ tạo ra lượng điện đủ cho một ngôi làng với dân số 3.000 người sử dụng |
Dự án do Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal đề xuất. Bà cho biết muốn xây dựng tuyến đường năng lượng mặt trời dài 1.000 km trên khắp nước Pháp.
Tuy nhiên, việc đặt con đường thử nghiệm tại vùng Normandy có thể gây khó khăn cho dự án. Khu vực này không có nhiều ánh sáng mặt trời khi chỉ có 44 ngày nắng mạnh trong năm, trong khi ở thành phố Marseilles là 170 ngày.
Hồi năm 2014, một làn xe đạp phủ pin mặt trời đã được thử nghiệm tại vùng Krommenie, Hà Lan, tạo ra khoảng 3.000 kWh điện, đủ cho một ngôi nhà sử dụng trong vòng một năm. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho dự án quá đắt, đủ để mua 520.000 kWh điện từ các nguồn khác.
Ông Piers Barnes, giảng viên Đại học Hoàng gia London cho biết chi phí sản xuất và độ bền là 2 yếu tố chính cần phải xem xét và cải thiện trong quá trình xây dựng những tuyến đường như thế này.
Nguồn: Chinhphu.vn