Kinh tế xã hội
Quản lý đất lâm nghiệp: Cần sự vào cuộc đồng bộ
(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai nói chung và quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh ta đã được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng.
Việc đẩy mạnh giao đất lâm nghiệp cho người dân giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, quản lý tốt tài nguyên thiên nhiên |
Nghịch lý thiếu - thừa
Từ nhiều năm nay, đất lâm nghiệp là tư liệu sản xuất không thể thiếu của bà con các huyện miền núi như Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Tương Dương... Xuất phát từ thực tế trên, trong bối cảnh diện tích đất lâm nghiệp ngày càng bị thu hẹp do sức ép về dân số và quá trình phát triển KT-XH, một bộ phận người dân đã tự ý vào rừng chặt phá cây cối của các đơn vị nông, lâm trường trên địa bàn, đơn cử như tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp; xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu.
Hiện, tỉnh ta có khoảng 1.236.260 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, rừng được giao cho hộ gia đình, cá nhân là 240 nghìn ha, cộng đồng gần 26 nghìn ha, các đơn vị vũ trang trên 1,2 nghìn ha, UBND các cấp (huyện, xã) trên 280 nghìn ha và các tổ chức khác gần 49 nghìn ha. Số còn lại thuộc sự quản lý của ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Con số thống kê trên cho thấy, diện tích đất rừng được giao cho hộ gia đình và các cá nhân còn khá khiêm tốn. Theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT tỉnh, đến giữa tháng 11/2016, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng gần 6.000 hộ dân thiếu đất sản xuất.
Trên thực tế, thời gian qua, tình trạng người dân thiếu tư liệu sản xuất dẫn đến đói nghèo đã trở thành vấn đề “nóng” ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đơn cử như tại huyện Quỳ Châu, tính đến đầu tháng 12/2016, tình trạng người dân thiếu đất rừng sản xuất vẫn phổ biến ở nhiều địa phương như Châu Hạnh, Châu Bình. Cụ thể, trong số gần 62 nghìn ha đất lâm nghiệp, mới chỉ có gần 39 nghìn ha được giao cho 8.330 hộ dân; trong khi toàn huyện còn 2.016 hộ thiếu đất rừng sản xuất. Do quỹ đất để giao cho các hộ dân trên không đủ, UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi 2.500 ha đất của 2 lâm trường đóng trên địa bàn để tiến hành các thủ tục bàn giao cho dân.
Tiếp tục rà soát, thu hồi đất của các công ty nông, lâm nghiệp giao cho dân
Thời gian qua, nghịch lý thiếu - thừa về quỹ đất lâm nghiệp được giao cho các đối tượng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVII vừa qua, đại biểu một số huyện miền núi đã đưa ra kiến nghị cần xử lý dứt điểm việc thu hồi đất từ các nông, lâm trường để bàn giao cho người dân sản xuất. Bởi đây là việc làm cần thiết và cấp bách nhằm góp phần ổn định cuộc sống người dân, tạo sinh kế lâu dài, qua đó thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Cũng trong thời gian qua, trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện và kết quả việc rà soát sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thu hồi 14.084 ha đất để giao lại cho UBND các huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Nghĩa Đàn làm cơ sở tổ chức giao đất sản xuất cho nhân dân theo quy hoạch. Trong đó, Quỳ Hợp, Quỳ Châu là 2 địa phương có diện tích đất thu hồi lớn nhất, tương ứng là 5.321,4 ha và 2.342,1 ha. Đến đầu tháng 12/2016, UBND các huyện đã tiến hành giao 10.401,5 ha/14.084 ha đất thu hồi, đạt 73,85%.
Thực tế quá trình rà soát, kiểm tra đất nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn sử dụng không có hiệu quả để thu hồi, tiến hành giao lại cho các hộ dân, tổ chức thực sự cần đất để sản xuất, phát triển kinh tế là việc làm cần thiết, có ý nghĩa thiết thực; không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững mà còn tránh tình trạng chuyển nhượng đất trái phép, không có hiệu quả. Theo đó, UBND tỉnh tiếp tục giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện tiếp tục thực hiện chủ trương trên.
Có thể nói, việc đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho người dân sẽ phát huy hiệu quả tích cực trong việc góp phần nâng cao năng lực của cộng đồng dân cư sống gần rừng trong quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời thu hút được sự tham gia của người dân trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, phục vụ đắc lực quá trình phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, để nguồn quỹ đất sau thu hồi phát huy hiệu quả, các cấp, ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhằm tránh tình trạng đất bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích, gây lãng phí tài nguyên và nhiều hệ lụy liên quan.
Thùy Dương