Ô tô - Xe máy
Kim xăng chỉ vạch E, xe còn đi được bao xa?
Hầu hết các nhà sản xuất đều thiết kế bộ phận cảnh báo hết nhiên liệu sớm hơn thời điểm lượng xăng trong bình cạn hoàn toàn. Tuy nhiên, quãng đường di chuyển còn lại của mỗi loại xe lại không giống nhau.
Khi đồng hồ báo xăng chỉ vạch E, mỗi chiếc xe đều có thể chạy thêm được một quãng đường nhất định - Ảnh minh họa. |
Không ít người lầm tưởng, khi kim xăng chỉ vạch E (Emtry) trên đồng hồ cảnh báo và biểu tượng cây xăng đổi màu (thông thường là màu da cam), thì xe khó có thể di chuyển được thêm một quãng đường dài.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe hơi, kể cả xe máy đều thiết kế hệ số an toàn trong chi tiết cảnh bảo nhiên liệu, nhằm hỗ trợ người dùng trong quá trình sử dụng xe.
Với việc cảnh báo hết nhiên liệu sớm hơn thời điểm lượng xăng/dầu trong bình chứa cạn hoàn toàn, người điều khiển xe chủ động và an tâm hơn trong việc tìm trạm tiếp nhiên liệu trước khi chiếc xe “bất động”.
Mặc dù vậy, việc xác định đúng quãng đường tối đa mà chiếc xe đang sử dụng có thể di chuyển được từ thời điểm kim cảnh báo nhiên liệu chạm vạch E, thì không phải người dùng xe nào cũng biết.
Tạp chí điện tử YourMechanic vừa thực hiện thử nghiệm và tổng hợp số liệu quãng đường chạy của hơn 50 mẫu xe phổ biến ở thời điểm hiện tại. Trong đó, có những mẫu xe có thể chạy được tối đa 160 km từ thời điểm đèn cảnh báo hết nhiên liệu đổi màu, nhưng có những xe chỉ chạy được khoảng 50 km.
Mặc dù đưa ra những con số khá lạc quan cho người sử dụng xe, nhưng YourMechanic vẫn lưu ý người điều khiển nên chạy xe ở tốc độ vừa phải và giữ đều chân ga, trong điều kiện bình nhiên liệu gần cạn.
Bảng số liệu ghi lại quãng đường tối đa mà 50 mẫu xe phổ biến hiện nay có thể di chuyển từ thời điểm đèn cảnh báo hết nhiên liệu nổi sáng, do YourMechanic công bố. |
Bên cạnh đó, các chuyên gia YourMechanic nhấn mạnh người dùng không nên phụ thuộc hoàn toàn vào số liệu theo bảng nghiên cứu trên, bởi mức độ tiêu hao nhiên liệu của xe ở thời điểm sắp hết nhiên liệu còn phụ thuộc vào điều kiện vận hành như độ phẳng mặt đường, mật độ giao thông và độ cũ của chiếc xe,...
Ngoài ra, việc để bình nhiên liệu cạn kiệt, cũng dễ khiến đường dẫn hoặc kim bị tắc do cặn bẩn phía dưới bị hút vào bơm nhiên liệu. Đồng thời, đây cũng chính là nguyên nhân làm cho thành bình nhanh gỉ hơn, do không còn nhiên liệu bảo vệ.
Theo Báo CAND